Là một trong những hộ chăn nuôi lớn nhất xã Văn Phong, những năm qua, anh Phan Văn Sự ở thôn Chát luôn chú trọng công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Với nguồn vốn tích lũy và vay mượn được, anh Sự đã xây dựng 1 khu chuồng trại khang trang với đầy đủ hệ thống máng ăn, nước uống được bố trí khoa học, hợp lý. Tại khu trại này, anh cũng luôn dự trữ lượng lớn vôi bột và đầy đủ các loại hóa chất phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Nhờ vậy mà đàn lợn nhà anh Sự luôn phát triển tốt, khỏe mạnh. Năm nào gia đình anh cũng xuất chuồng trên 10 tấn lợn thịt, khoảng 200 lợn con và một số lượng không nhỏ gia cầm thu về hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình.
Hiện nay, xã Văn Phong có trên 500 con trâu bò, gần 3 nghìn con lợn và khoảng 1 triệu con gia cầm. Trong những năm qua, việc phát triển chăn nuôi ở xã Văn Phong đã được người dân quan tâm. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi. Để duy trì và thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các thôn trong xã chú trọng.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm được xác định là thời điểm dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh, do đó thú y xã đã phối hợp với các thôn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiến hành các biện pháp như: quét dọn, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ; thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất khu vực chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định. Bên cạnh đó, tập trung phòng chống đói, rét cho trâu, bò, lợn gà bằng các biện pháp như: cho vật nuôi ăn uống đầy đủ, che chắn, giữ ấm chuồng trại.
Đồng chí Trương Đức Nghĩa, trạm Trưởng trạm Thú y huyện Nho Quan cho biết: Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, Nho Quan đã triển khai tiêm phòng 2 đợt cho đàn gia súc, gia cầm với trên 1,2 triệu liều vắc xin.
Trong đó nhiều loại vắc xin tiêm đặt tỷ lệ cao như vắc xin LMLM trên đàn trâu bò (đạt trên 90% KH), vắc xin cúm gia cầm (đạt trên 100% KH). Trạm cũng đã triển khai cấp phát thuốc và tiến hành phun tiêu độc khử trùng định kỳ tại các điểm nóng như Chợ trung tâm và kiểm soát các hoạt động mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Do vậy, đến nay, toàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra, bà con nhân dân yên tâm phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn rộng, có các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua, trong khi cuối năm thường là thời điểm thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng của đàn vật nuôi yếu, cộng thêm tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc gia tăng.
Đây chính là nguy cơ gieo rắc mầm bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm. Thời gian tới, huyện Nho Quan sẽ tăng cường chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, trạm Thú y, chính quyền các xã kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm. Nâng cao nhận thức về tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh đến người chăn nuôi.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát hiện, phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng bổ sung; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý kiên quyết vi phạm trong công tác thú y.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục củng cố, tập huấn công tác chuyên môn cho mạng lưới thú y viên cơ sở; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, qua đó đảm bảo đàn vật nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Hà Phương