Gia Thủy là xã đồng chiêm trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ trực tiếp của sông Bôi và sông Na. Cũng vì thế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây xác định chủ động trong công tác phòng chống lũ, bão là nhiệm vụ trong tâm trước mỗi mùa mưa bão về.
Với tuyến đê bao trong xã khoảng 7km và là địa phương có tuyến đê dài nhất huyện Nho Quan, hiện đã đạt cao trình + 4m; các trạm bơm tiêu, tới bằng cả dầu và điện cũng như 30 cống và 1 đập tràn là những công trình thủy lợi hiện hữu đã và đang tham giam bảo vệ lúa và địa bàn dân cư trong khi có lũ, bão xảy ra.
Đồng chí Đinh Văn Cần, Bí thư Đảng ủy xã Gia Thủy cho biết: Với kinh nghiệm nhiều năm trong mùa mưa, bão, địa phương luôn chủ động, tích cực sẵn sàng ứng phó có hiệu quả những tình huống xấu do tác động của thiên nhiên. Căn cứ vào sự chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB &TKCN của huyện và phân ban cụm phía Bắc, hàng năm xã luôn coi trọng công tác chuẩn bị 4 tại chỗ, hiệp đồng các lực lượng các thôn trong xã với nhau và lực lượng của Phân ban cụm phía Bắc với lực lượng tăng cường của từ huyện về… Cùng với đó là đôn đốc và thường xuyên kiểm tra, khảo sát các tuyến đê, cống dưới đê, kênh tiêu nước và các trạm bơm; tu sửa, bảo dưỡng cánh cống...
Gia Thủy có gần 70 ha diện tích đất ven sông đang được nhân dân cấy lúa đông xuân. Kinh nghiệm từ nhiều năm, trung bình lũ tiểu mãn xuất hiện thường vào ngày 18-22/4 (âm lịch). Do bị ảnh hưởng trực tiếp, nên nông dân nơi đây bám sát vào lịch thời vụ để chọn lựa giống lúa thích hợp, khi tiểu mãn xuất hiện thì diện tích lúa đã chín được trên 80%. Lúc này, có thể thực hiện phương châm thu hoạch "xanh nhà hơn già đồng". Còn diện tích lúa trong đồng, trước khi có mưa bão, lũ… Ban chỉ huy PCLB &TKCN của xã đôn đốc các tổ, đội sản xuất tháo, bơm nước đệm tránh ngập diện tích canh tác khi mưa kéo dài.
Đối với Cúc Phương, địa phương có địa hình là đồi, núi, dốc nên mùa mưa nơi đây thường xảy ra lũ quét và ngập úng cục bộ; đồng thời nguy cơ lở đất rất cao ảnh hưởng giao thông, vùi lấp diện tích canh tác, sập nhà cửa, tính mạng con người. Xã Cúc Phương đã kiện toàn, bổ sung lực lượng xung kích, cơ động phối hợp với các tiểu ban ở thôn. Hiệp đồng với các chủ phương tiện vận tải, xúc, ủi trong vùng để xử lý hình huống xấu xảy ra trong bão, lũ…
Xã cũng đã lên phương án đảm bảo an toàn cho các hộ, nhóm hộ ở các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng khi có mưa, bão, lũ, như: di dời 18 hộ ở lòng hồ Thường Xung 2 thôn Đồng Bót có nguy cơ ngập úng, 2 hộ ở chân dốc quèn Thạch có nguy cơ sạt lở đất đá và các hộ ở giáp bờ suối ở thôn Bãi Cả và thôn Nga 3 có nguy cơ bị lũ quét.
Ban chỉ huy PCLB & TKCN xã đã chuẩn bị đóng 2 bè tre, giải cứu người bị mắc kẹp trong vùng bị ngập úng cục bộ. Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết thêm: Ban chỉ huy PCLB & TKCN xã đang rất lo ngại nguy cơ sạt lở trên tuyến đường Cứu hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương chay qua địa bàn, đang thi công. Đặc biệt là dốc Quèn Thạch đang được thiết bị máy móc: khoan, múc, vận chuyển đất đá để hạ độ cao.
Vào mùa mưa bão sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Nhất là tại khu vực chân dốc, vẫn còn 2 hộ dân nằm trong diện di dời, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa có kinh phí, nên chưa chịu di dời… Thêm nữa, trong lòng hồ Thường Xung 2 thôn Đồng Bót có 18 hộ dân chưa di dời vì chưa có kinh phí di dời. Đây là công trình đập Thường Xung đang thi công dở dang (chờ kinh phí). Mùa mưa, lượng lớn nước mưa từ thượng nguồn đổ về lòng hồ có nguy cơ gây ngập úng, ảnh hưởng đến tính mạng nhân dân.
Đồng chí Mai Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban thường trực BCH PCLB & TKCN huyện Nho Quan cho biết: Huyện, các xã có nguy cơ bị ảnh hưởng đều có phương án chi tiết đối phó, ứng cứu khi bão lũ xảy ra, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến tính mạng con người, giảm đến mức thấp nhất sự thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Bài, ảnh: Nguyễn Lệ, Thu Hà