Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng luôn là vấn đề quan trọng được cấp ủy, chính quyền trong huyện quan tâm, đặc biệt là vào mùa khô.
Mặc dù công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng được huyện Nho Quan đặc biệt quan tâm, song thực tế những năm qua do nhận thức của nhân dân và chủ rừng về công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng còn hạn chế, nhất là mùa đốt dọn nương rẫy, đốt than hầm, đốt ong vẫn gây ra các vụ cháy rừng. Ngoài ra còn những nguyên nhân khách quan như: do thời tiết khí hậu nắng hạn, hanh khô kéo dài, vật liệu cháy nhiều và rừng trồng là rừng dễ cháy cũng tác động không nhỏ và gây ra nguy cơ cao cháy rừng. Hơn nữa, Nho Quan có thời tiết nằm trong vùng khí hậu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa; mùa khô hanh bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, độ ẩm trung bình 83-86%, nhiệt độ trung bình 25-31oC, nhiệt độ cao nhất là 40oC, thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, nắng nóng và khô hạn là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nguy cơ cháy rừng.
Tại một số địa phương, việc triển khai thực hiện kế hoạch PCCC rừng, quy ước quản lý, bảo vệ rừng cấp thôn, bản, làng, xóm chưa sâu, một số chủ rừng chưa xác định đúng đắn về trách nhiệm của mình trong việc chủ động PCCC rừng... Vì thế, từ năm 2006 đến 2011, trên địa bàn huyện đã để xảy ra 10 vụ cháy rừng, gây thiệt hại khá lớn về rừng với tổng diện tích 7,41 ha; trung bình mỗi năm xảy ra 2 vụ cháy rừng, với các trọng điểm cháy như ở khu rừng trồng nhựa thông ở Đồi Thông 3 ngả thuộc 3 xã Quảng Lạc, Quỳnh Lưu và Phú Long; khu rừng khoanh nuôi núi đá ở vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương gồm xã Kỳ Phú, Phú Long; rừng trồng nhựa thông khu vực hồ Đồng Chương và trọng điểm 4 gồm xã Thạch Bình, Xích Thổ có diện tích trồng thông nhựa lớn, rừng cây dẻ tái sinh và rừng khoanh nuôi tái sinh trên núi đá, là vùng giáp ranh với các xã của huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn trong công tác PCCC rừng, năm 2011, Huyện ủy, UBND huyện Nho Quan đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn tới công tác bảo vệ rừng. Theo đó, Ban chỉ đạo PCCC rừng được củng cố, kiện toàn từ huyện đến cơ sở; tập trung xác định các vùng trọng điểm, các điểm xung yếu có nguy cơ cháy cao để bố trí lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); nâng cao năng lực chỉ huy PCCC rừng các cấp, củng cố mạng lưới thông tin báo cháy rừng, đẩy mạnh công tác kiểm tra PCCC rừng. Đồng thời, triển khai tuyên truyền các văn bản pháp luật quy định về PCCC rừng dưới nhiều hình thức để phù hợp với thực tế ở địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cuộc họp giao ban của xã, bản, thôn, xóm; các chương trình vận động của các tổ chức hội, đoàn thể và tập huấn, hướng dẫn các biện pháp PCCC rừng cho lực lượng dân phòng và nhân dân. Từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện đúng quy định sử dụng lửa trong rừng, đốt dọn nương... Hạt Kiểm lâm huyện tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức cho các thôn, xóm, bản và cụm dân cư ký cam kết đến các hộ gia đình để gắn trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCC rừng; gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân, chủ rừng đến các hộ dân và cộng đồng, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ tài sản của Quốc gia.
Hồng Vân