Tính đến nay tôi đã đi qua chặng đường 1/4 thế kỷ gắn bó với nghề báo, gần như nếm trải đủ những cung bậc cảm xúc vui buồn mà nghề đã mang đến, song nói thật, nếu cho chọn lại một lần nữa, có lẽ tôi vẫn chọn nghề báo. Phải chăng đó cũng là mối duyên với nghề?
Nhớ những ngày đầu làm báo
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào làng báo, tôi háo hức như một đứa trẻ, không cần biết những gì đang chờ mình phía trước, chỉ tự nhủ sẽ cố gắng hết mình. Ngày ấy, tỉnh Ninh Bình mới tái lập, Báo Ninh Bình khi đó có khoảng chục cán bộ, phóng viên, hầu hết là từ Báo Hà Nam Ninh chuyển về, do vậy chúng tôi thuộc thế hệ nhà báo trẻ. Mới tốt nghiệp đại học, mang theo bao nhiêu ước mơ, hoài bão, tôi bắt đầu những bước đi chập chững với nghề.
Thời đó, những phóng viên trẻ khi về Báo Ninh Bình sẽ phải trải qua vài tháng cho đến cả năm để làm công việc "bếp núc" tại Phòng Tòa soạn, như đọc mo rát, sửa bản in, đếm chữ tin, bài phục vụ cho việc trình bày báo… phần để hiểu công việc, hiểu thực tiễn, sau đó là học cách viết báo, nhất là những yêu cầu khi làm việc tại cơ quan báo Đảng- một lĩnh vực khá mới mẻ đối với sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, vì tự tin và cũng có phần nôn nóng tôi đã xin đồng chí Tổng Biên tập cho đi viết luôn. Được phân công về Phòng Văn hóa-xã hội, dưới sự dìu dắt của thế hệ làm báo đi trước tôi thấy mình hòa nhập khá nhanh. Ban đầu, tôi đi cơ sở cùng các phóng viên có thâm niên trong nghề, khi quen việc, quen địa hình tôi đã có thể đi một mình.
Với chiếc xe đạp mi ni tàu, quyển sổ và cây bút, cánh phóng viên trẻ chúng tôi đã có mặt ở nhiều vùng quê trong tỉnh, từ miền núi Nho Quan tới miền biển Kim Sơn. Đa số chúng tôi đi về trong ngày. Cũng có những chuyến đi vài ngày mới về. Và để chuyến đi như vậy đạt hiệu quả chúng tôi thường phải lên lịch trước. Ngày đầu liên hệ làm việc tại các cơ quan, ban, ngành của huyện để nắm tình hình chung; những ngày sau thì đạp xe xuống xã lấy thông tin, cũng có khi lãnh đạo huyện tạo điều kiện cử cán bộ có xe máy đưa đi… Phải nói, cán bộ cơ sở ngày ấy rất quý các nhà báo, ngoài việc được bố trí làm việc, cung cấp thông tin, chúng tôi còn hay được mời ở lại ăn cơm, khi thì ăn tại xã do cán bộ văn phòng tự nấu, cũng có khi được chủ tịch xã mời về nhà "ăn bữa cơm gia đình". Tối về, chúng tôi nghỉ tại nhà khách huyện và ăn cơm ở nhà bếp… Sau mỗi chuyến đi như vậy, tư liệu viết bài đầy ăm ắp, vốn sống cũng được mở mang để chúng tôi không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống.
Đi nhiều nhưng viết chỉ có mức độ do ngày đó báo ra cách nhật, mỗi tuần chỉ có 3 kỳ. Có những sự kiện (như tiếp xúc cử tri chẳng hạn) đi 2-3 ngày nhưng cũng chỉ viết được một tin tổng hợp. Công nghệ làm báo thì lạc hậu. Việc viết báo rất thủ công, chỉ có cây bút và tờ giấy, vừa viết vừa tự sửa chữa, biên tập, gạch xóa chằng chịt nhưng bản cuối cùng nộp về tòa soạn bao giờ tôi cũng chép lại sạch sẽ, chỉn chu. Đức tính cẩn thận ấy vẫn được tôi duy trì đến tận bây giờ, viết xong phải đọc lại, kiểm tra lại thông tin, số liệu để phát hiện ra những điều chưa hợp lý để sửa chữa. Có lẽ vì vậy mà tôi đã hạn chế được rất nhiều sai sót, nhầm lẫn khi thể hiện tác phẩm báo chí.
Về đời sống người làm báo, nhất là với những phóng viên trẻ như chúng tôi ngày ấy cũng khá khó khăn do chế độ nhuận bút thấp, khoảng 10 nghìn đồng/tin; 20 đến 25 nghìn đồng/bài, do đó, ước mơ có được vài trăm nghìn nhuận bút mỗi tháng quả là điều xa xỉ. Tuy nhiên, điều đó không làm chúng tôi buồn chán, kém đi động lực phấn đấu, ngược lại, chúng tôi luôn thấy vui vì công việc mình đang theo đuổi ít nhiều đã và đang góp ích cho xã hội, làm cho cái xấu bị đẩy lùi và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đó cũng là hạnh phúc giản dị mà nghề báo đã mang đến cho tôi, giúp tôi vượt qua những khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần củng cố niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đối với tờ báo Đảng địa phương.
Nhà báo Trang Nhung
(Báo Ninh Bình)
Nếu theo nghề báo đừng chỉ nhìn vào những hào quang
Cứ mỗi năm một lần, vào ngày 21/6 - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo lại có dịp tự vấn bản thân mình, xã hội lại có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ về một trong những nghề có tính đặc thù cao. Tuy nhiên, không ít người đôi khi nhầm lẫn và ảo tưởng về nghề báo. Nghề báo với họ chỉ đơn thuần toàn "màu hồng" với hình ảnh kiểu như một chương trình truyền hình với cô nàng MC xinh như mộng, váy áo lộng lẫy hay anh chàng phóng viên "áo là phẳng nếp", "kính trắng thư sinh" khi đi tác nghiệp, được cơ sở đưa rước tận nơi, hay những cuộc gặp gỡ thường xuyên với những nhân vật nổi tiếng... Xin thưa, đó chỉ là một mặt trong nhiều mặt của nghề báo. Nếu nhìn vào nghề báo đừng quên những chuyến đi đầy nhọc nhằn giữa thời tiết khắc nghiệt, những bữa cơm chẳng đúng giờ và nhiều những nguy hiểm khác rình rập. Nhưng những khó khăn ấy chưa khiến người làm báo mệt mỏi bằng việc phải liên hệ gặp một đối tượng phỏng vấn nào đó cực kỳ khó chịu. Gọi điện thì không nghe máy, nhắn tin thì không trả lời, khi tìm gặp được thì không hợp tác. Và cả thái độ lạnh nhạt, quay ngoắt của một số người khi không đạt được "mục đích" mà họ nhắm tới khi làm việc với phóng viên.
Từ những khó khăn đó, những người đã xác định muốn theo nghề báo, muốn đặt cược tương lai của mình vào nghề này cần có cái nhìn chính xác, toàn diện hơn về nghề. Cần chuẩn bị tâm thế đối mặt với những khó khăn, nghiệt ngã của nghề báo hơn là việc kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nghề của mình. Thực tế đã có nhiều bạn trẻ hiện nay khi lựa chọn thi vào các trường báo chí không hề hình dung được mức độ khốc liệt của nghề. Khi ra trường phải đối diện với những trở ngại khi làm nghề thường vỡ mộng, thoái lui. Đương nhiên nghề báo không chấp nhận những người chỉ với đam mê nửa vời, thói thích thú đỏng đảnh, ngẫu hứng. Nghề báo cần những người đam mê nghề một cách bền bỉ, không ngại dấn thân và dám trả giá cho cái nghiệp mà mình lựa chọn. Người làm báo giỏi cần phải biết chấp nhận những "góc khuất" của nghề, biết vượt qua những khó khăn, thử thách và trên tất cả biết miễn nhiễm với những hào quang giả tạo bủa vây, hướng đến giá trị thiện chân đích thực.
Nhà báo Mai Phương
(Báo Ninh Bình)
Nghề báo là nghề vinh quang nhưng cũng rất nguy hiểm
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Khoa Báo chí, tôi được tuyển dụng vào làm việc tại Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình. Khi đó tôi chỉ là một cô sinh viên mới ra trường, mọi thứ đều hết sức bỡ ngỡ nhưng được sự giúp đỡ của các anh, chị, em đồng nghiệp, sự đào tạo bồi dưỡng của Đài, sự học hỏi của bản thân, tôi dần trưởng thành. Và có lẽ để trưởng thành trong nghề, bên cạnh sự đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, sự giúp đỡ, hỗ trợ của đồng nghiệp, thì việc tự học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm qua từng tác phẩm cũng rất quan trọng.
Với tôi nghề báo là một nghề vinh quang nhưng cũng không ít nguy hiểm, vất vả, nhất là với những phóng viên nữ. Thế nhưng vượt lên trên tất cả, điều giúp chúng tôi tiếp tục gắn bó và cống hiến với nghề đó chính là sự say nghề, trách nhiệm, đạo đức nghề báo và mục đích cuối cùng mà chúng tôi gửi gắm qua mỗi tác phẩm của mình đó chính là vì một xã hội tốt đẹp. Một mục đích chung, một định hướng chung trong mỗi tác phẩm của chúng tôi đó là phản ánh những điều bình dị chân thực của đất và người Ninh Bình, đưa khán giả tới cái đẹp của cuộc sống, những câu chuyện mộc mạc truyền thông điệp đơn giản về tình yêu nhằm lay động sự chân thiện trong trái tim mỗi con người, để từ đó chúng ta yêu thương nhau và quý trọng cuộc sống xung quanh hơn. Nhiệm vụ của người làm báo chúng tôi là bám lấy sự thật, quan sát lặng lẽ, không tác động lên sự thật và tiếp cận một cách chân thành. Thành công của mỗi tác phẩm đối với tôi đó là khi nhân vật họ nghĩ tới mình họ cảm thấy hạnh phúc vị họ được trải lòng, được trân trọng, được ghi nhớ lại và kể lại. Sự đón nhận của công chúng là niềm khích lệ động viên cho chúng tôi có những tác phẩm trong tương lai.