Tòa soạn Báo Ninh Bình ngày ấy gồm 2 căn nhà lợp lá gồi nằm ở chân núi Phú Gia, xã Ninh Khang, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư) và một chiếc xe máy. Cơ quan chỉ có 10 người, gồm: Bác Nguyễn Xuân Lương, Tổng biên tập; bác Nguyễn Xuân Tế, ủy viên Ban biên tập, thư ký tòa soạn; bộ phận phóng viên có bác Đinh Văn Khoát, anh Nguyễn Đình Ri, anh Trần Dũng Tiến, anh Phạm Thanh Bình, anh Nguyễn Tiến Lực và tôi. Bộ phận văn phòng có anh Vũ Quốc Trường làm kế toán; bác Lê Văn Bao làm thủ quỹ kiêm tạp vụ, cấp dưỡng. Cán bộ, nhân viên của báo ít, để đảm bảo báo ra 2 kỳ/ tuần, khi có sự kiện quan trọng của tỉnh, ra thêm phụ trương anh em trong tòa soạn phải làm kiêm nhiệm nhiều việc: anh Thanh Bình vừa chụp ảnh, vừa viết tin, vào nhà in sửa mo rát, hàng tuần phóng xe máy đi Hà Nội làm ảnh kẽm. Anh Trần Dũng Tiến, anh Phạm Đình Ri là những cây bút chủ lực, thường đi viết những bài đứng trang về công các xây dựng Đảng, công tác thủy lợi và nông nghiệp, nộp bài xong là thay nhau vào nhà in sửa mo rát. Bác Nguyễn Xuân Tế kiêm biên tập viên, trình bày ma két và điều hành phóng viên. Cứ đầu tuần bác Tế phân công công việc cho anh em chúng tôi, ai viết bài xong đưa bác sửa, đưa đi in. Những hôm phóng viên đi cơ sở hết, bác đạp xe vào nhà in sửa mo rát. Bấy giờ việc in ấn phải xếp chữ chì nên bài viết phải đếm chữ chính xác. Khuôn báo để diện tích cho từng tin bài bao nhiêu chữ, phóng viên phải viết đúng bằng ấy chữ; thừa cắt đi, thiếu thêm vào. Thường thì phóng viên viết dư ra một chút, để biên tập viên chỉnh sửa cắt gọt cho hoàn chỉnh. Người sửa mo rát phải linh hoạt, khi nhà in yêu cầu rút gọn bài,vắt óc mà sửa bài cho gọn lại; bí quá thì điện về xin ý kiến ủy viên biên tập, có khi ủy viên biên tập phải đạp xe vào nhà in xử lý.
Phóng viên làm việc không có định mức tin, bài mà theo sự phân công hàng ngày của bác Tế. Cứ đầu tuần tùy theo vấn đề và quy mô bài viết, phóng viên được cử đi cơ sở từ 1 đến 3 ngày lấy tài liệu và viết bài. Viết xong đạp xe về cơ quan nộp ngay cho thư ký tòa soạn, sau đó nhận đề tài, đi cơ sở và viết tin bài tiếp theo .Vì viết theo đề tài nên phóng viên đi khắp nơi trong tỉnh, hôm nay đi Kim Sơn, mai đi Nho Quan. Cứ như thế mỗi tháng một phóng viên viết 15 đến 20, thậm chí trên 20 tin bài là chuyện bình thường nhưng không tin bài nào có nhuận bút, chỉ được hưởng lương tháng theo bậc. Như tôi lúc tập sự được hưởng 58 đồng/tháng. Sau 2 năm hết tập sự, được công nhận chính thức, hưởng lương 62 đồng/tháng. Ai cũng được tem phiếu đong mỗi tháng 13,5kg gạo, mua 0,5kg thịt kèm theo nước mắm, mì chính, đậu phụ... Trước khi tôi đi cơ sở chuyến đầu tiên, bác Tế hướng dẫn: Cậu phải mang theo tiền và tem gạo để thanh toán với nhà ăn của huyện hoặc mua cơm ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh với suất ăn như nhau mỗi bữa 4 hào và 0,225kg gạo. Nhớ gói một số gói 0,225kg gạo kèm theo 4 hào để gửi gia đình chủ tịch xã hoặc chủ nhiệm HTX xã nấu cơm cho mình ăn. Xin nói thêm là chỉ có cửa hàng mậu dịch của nhà nước mới bán cơm, còn các quán không được bán cơm và bánh kẹo làm từ lương thực, thực phẩm, chỉ bán nước chè, kẹo lạc, quả chuối, quả na...
Năm 1976, Ninh Bình sát nhập với Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, anh em chúng tôi ra Nam Định làm báo. Báo Hà Nam Ninh làm việc quy củ hơn, có phòng tòa soạn, phòng văn xã, xây dựng đảng, phòng tuyên truyền nông nghiệp, phòng tuyên truyền công nghiệp. Phóng viên được phân công phụ trách mảng đề tài và phụ trách địa bàn. Tôi được phân công theo dõi mảng thủy lợi và địa bàn Ninh Bình. Tuy vậy khi cần thiết trưởng phòng vẫn phân công đi viết ở địa bàn khác, còn vấn đề thủy lợi thì phải đi khắp tỉnh. Thế là trên chiếc xe đạp lốp mòn, xích rão, săm nhiều miếng vá, chúng tôi rong ruổi khắp các miền quê: Từ Kim Bảng, ý Yên đến Nam Ninh, Xuân Thủy, rồi ngược Duy Tiên xuôi Hải Hậu... cứ nơi nào có điển hình là chúng tôi có mặt.
Tôi có nhiều kỷ niệm và niềm vui trong đời làm báo. Hồi làm báo Ninh Bình có một lần tôi bị kiện. Đó là vào năm 1975, tôi viết bài phê bình trại chăn nuôi của HTX Bốn Hốt, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan. Báo ra một tuần thì cơ quan nhận được đơn kiện của ban quản trị HTX nói rằng bài báo viết sai sự thật. Bác Tế giao cho tôi lên Nho Quan giải quyết. Tôi đến Bốn Hốt đặt vấn đề, hẹn ngày làm việc với Ban quản trị HTX. Đúng ngày hẹn, tôi đến Bốn Hốt thì đã thấy bác Tế ở trụ sở HTX, có cả ông Bí thư Đảng ủy xã. Vào làm việc, chủ nhiệm HTX nêu vấn đề, tôi giải trình sự việc, bác Tế phát biểu: Tôi đã đến trại, xem nồi cám thấy lượng cám quá ít, đàn lợn một số con sưng đầu, nhiều con còi cọc, chuồng trại để bẩn, phóng viên viết đúng. Ông Bí thư Đảng ủy kết luận: Phóng viên viết chưa hết, trại lợn làm ăn thua lỗ, để lụt trôi mất lợn. HTX phải tiếp thu phê bình của báo và cần kiểm điểm việc này. Ông chủ nhiệm hứa tiếp thu bài báo và sửa chữa khuyết điểm. Thế đấy, viết đúng đâu đã yên thân. Năm 1985 lụt lớn vỡ đoạn đê tả ngạn Hoàng Long ở xã Gia Trung, nước tràn vào ngập cả khu tả ngạn Gia Viễn.
Tôi từ Nho Quan đi đò xuống bến Đế định đạp xe về Nam Định, nhưng nước đã ngập đường 59 (nay là đường 479), ngần ngừ một chút tôi quyết định dắt xe lội nước về Nam Định. Nước tràn qua đường chảy siết ngập đến thắt lưng, có lúc đẩy tôi súyt ngã, nhưng tôi bám chắc vào xe đạp cố lội qua vùng nước xoáy. Đi đến xã Gia Lập, trên một đoạn đường cao thấy thi thể 2 người đắp chiếu đặt bên vệ đường, ngậm ngùi một chút tôi lại lội trong dòng nước cố đi về Gián Khẩu. Sau này tôi mới biết 2 thi thể đó là cô giáo Đặng Thị Thanh Băng, đã cõng em nhỏ vượt qua vùng nước, nhưng bị nước lụt cướp đi sinh mạng cả hai cô cháu. Vượt qua đoạn đường hơn chục km ngập nước đến cầu Gián, tôi lên xe đạp về Nam Định. Về đến cơ quan thì đã chiều tối, anh em trong cơ quan ai cũng tưởng tôi không về được, vì nước lụt. Sau đó tôi được phân công trở lại Gia Viễn viết bài về khắc phục trận lụt lịch sử. Đi trên đê tả Hoàng Long, đê Đầm Cút thấy lều bạt dựng lên san sát, là chỗ trú thân của hàng vạn người, sách vở học trò phơi trắng triền đê. Nước đã rút, bộ đội và nhân dân khẩn trương dựng lại trường lớp cho học sinh. Xúc động trước cảnh đó, tôi viết bài: "Mái trường trở lại đông vui", tòa soạn sửa lại là: "Tiếng trống trường ở Gia Viễn", trong bài viết tôi miêu tả cảnh tan hoang của trường học sau trận lụt và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân dân cùng bộ đội trong việc chăm sóc trẻ thơ, dựng ngay lại mái trường cho các em học tập. Bài viết nêu nhiều điển hình, nhiều gương sáng trong việc khắc phục hậu quả trận lụt. Tác phẩm được đăng ngay, ban biên tập trao giải nhất của tháng cho tác phẩm và thưởng cho tác giả một cái khăn mặt. Sau đợt ấy tôi được xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày nay việc làm báo có nhiều thuận lợi, song cũng còn gian khổ. Thiết nghĩ nghề báo cũng như các nghề khác đều gian lao vất vả, nhưng cũng nhiều niềm vui. Ai yêu nghề, tâm huyết với nghề sẽ có những hạnh phúc mà nghề đem lại.
Đinh Quang Đức