Về thăm nhà được ít hôm, Thu Hà (xã Ninh Mỹ, Hoa Lư) đã gọi ngay cho nhóm bạn học cùng THPT để tụ tập quán ốc. Cô kể, chỉ cần nhấc điện thoại, gọi cho đứa bạn "ốc Dậu" nhá… là chỉ 15 phút sau, cả nhóm đã có mặt đông đủ tại quán ốc Nhật Dậu ở phố Tân Văn (phường Tân Thành). Xoay quanh mâm ốc nóng hổi, những câu chuyện, kỷ niệm thời học sinh ùa về. Với không chỉ Thu Hà, mà rất nhiều người thuộc thế hệ 7X, 8X, dù xa quê rất lâu, nhưng không thể không nhớ… Phố Tân Văn bây giờ, các hàng quán bán đồ ăn vặt đã tràn ngập. Cả phố có hơn 80 hộ nhưng hầu như hộ nào cũng kinh doanh dịch vụ ăn uống, mà chủ yếu là đồ ăn vặt.
Đến đây, du khách như lạc vào "ma trận" của vô vàn các hàng quán: Nào chè các loại, bánh rán, bánh khoai, kem xôi, bánh gối…tha hồ thỏa mãn nhu cầu ăn vặt. Thế hệ 7X chúng tôi vẫn nhớ, cách đây hơn 20 năm, nếu nói phố Tân Văn thì chẳng ai biết, nhưng chỉ cần nhắc tên Phố Tám, mọi người có thể đến được ngay. Con phố nhỏ, ở ngay trước cổng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy nhưng đã thu hút lượng khách lớn không chỉ là học sinh, giới trẻ, mà cả những người có tuổi, có gia đình. Cách đây hơn 20 năm, khi mới manh nha các dịch vụ ăn uống, cả phố chỉ có vài quán chè, kem, ốc luộc nên ai cũng có thể gọi tên những chủ quán thân thuộc: cô Nhung, cô Dậu… "Thịnh" nhất là dịch vụ karaoke, cà phê ở đây luôn hút khách. Thế nhưng, khi nhu cầu của khách hàng thay đổi, các dịch vụ hút khách trước kia đã phải nhường sân cho các đồ ăn vặt. Chị Nguyễn Hạnh, chủ quán chè cho biết: Hơn chục năm trước, khi mua nhà về phố Tân Văn sinh sống, hàng quán cũng nhiều, nhưng chưa đa dạng, phong phú như bây giờ. Hàng chè nhà chị, với những món chè bưởi, chè trôi, chè thập cẩm… đã có những đối tượng phục vụ nhất định, đủ để quán phục vụ hàng ngày. Dù là con phố nhỏ nhưng để đưa nếp sống văn minh đô thị vào thực hiện, phường Tân Thành đã tích cực triển khai tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên để người kinh doanh chấp hành tốt.
Mặc dù mang cái tên như là một phố chuyên về ẩm thực, nhưng phố Vịt (hiện là tuyến đường Đinh Tiên Hoàng thuộc phường Đông Thành) lại được nhiều người biết đến là con phố chuyên về thời trang. Cả tuyến đường dài chưa đến cây số nhưng kín hai bên đường đều là các cửa hàng kinh doanh thời trang luôn rực rỡ sắc màu của váy, áo. Anh Lê Văn Liệu, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Trước kia tuyến đường này là kênh Quyết thắng. Từ năm 1999 khi xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, các hộ dân trên tuyến này có nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhiều nhất là các hàng quán bán thịt vịt, gây khói bụi, ảnh hưởng môi trường. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên phường đã vận động được các hộ dân chuyển đổi hình thức kinh doanh.
Mấy năm gần đây, tuyến đường này đã mang dáng dấp của con phố chuyên về thời trang. Với các chị em phụ nữ, con phố này không có gì lạ vì nếu có nhu cầu mua sắm về quần áo, cứ đến phố này là "chuẩn". Đến đây, khách hàng luôn được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thời trang nam, nữ. Các thương hiệu cả Việt lẫn nước ngoài đều có mặt tại đây như: Elise, Chic-land, Fiona, Sohee, Adam Store, Zara… với giá cả, mẫu mã vô cùng đa dạng, phong phú, phù hợp với túi tiền của từng đối tượng khách hàng. Nếu để ý, chỉ trong vòng 1 năm, phải có đến 3-4 thương hiệu thời trang khai trương, "đầu quân" về con phố sầm uất và rộng rãi bậc nhất thành phố Ninh Bình. Cùng với mặt hàng quần áo, một số mặt hàng liên quan đến thời trang như: giày dép, túi xách, phụ kiện cho phụ nữ… cũng mở cửa hàng tại đây, phục vụ thuận tiện nhu cầu của người dân. Đây cũng là tuyến phố được phường Đông Thành xây dựng là tuyến đường văn minh đô thị, giao cho Hội Nông dân phường tự quản về nếp sống văn minh, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
ở tổ dân phố 6, đường Phan Đình Phùng thuộc phường Vân Giang, nhắc đến tên phố vải cân là mọi người biết ngay cái tên quen thuộc này, chứ chẳng mấy ai biết cái tên "chính chủ" kia. Chỉ là một con phố nhỏ, nhưng phố vải cân có tới gần 100 hộ tham gia kinh doanh các mặt hàng chủ yếu là mặt hàng vải. Chị Hồng Nhung - chủ một sạp vải cho biết: Từ năm 2003-2004 khi nhiều hộ ở đây chuyển việc buôn bán từ chợ Rồng về nhà là bắt đầu hình thành phố vải cân. Khi đó, một số hộ và cá nhân mang hàng hóa ra bày bán ngay vỉa hè, lề đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trật tự đô thị. Do đó, phường Vân Giang đã có chủ trương xây dựng các ki ốt, tuyên truyền, vận động các hộ, cá nhân kinh doanh vào trong khu vực quy hoạch là phố 6 bây giờ để buôn bán. Tên phố vải cân có lẽ hình thành từ đó. Cũng theo nhiều hộ kinh doanh lâu năm ở đây, những năm làm ăn thịnh vượng nhất của người kinh doanh vải chính là quãng thời gian những năm từ 2003 đến 2010. Khi đó, nhu cầu của người dân, nhất là chị em phụ nữ chủ yếu là may mặc nên hàng vải đắt khách. Mấy năm trở lại đây, khi quần áo may sẵn với các thương hiệu Việt xuất hiện, khách mua vải may áo, váy giảm đi đáng kể, song con phố ấy với tên gọi cũ vẫn tồn tại và vẫn là điểm đến của những người có thu nhập trung bình và yêu thích thời trang tự thiết kế.
Bài, ảnh: Lý Nhân - Trường Giang