Cùng dự một buổi học lịch sử qua "nhân chứng sống" là các CCB phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) với các em học sinh lớp 9B, Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình), chúng tôi nhận thấy, qua những câu chuyện thực tế của các CCB đã từng trực tiếp chiến đấu tại Chiến dịch Mậu Thân 1968, giúp cô giáo dạy học môn Lịch sử và các em học sinh hiểu rõ hơn về những ngày tháng gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng đầy tự hào, vinh quang của quân và dân ta.
Ông Thái Quốc Hiệp, CCB phường Đông Thành chia sẻ: Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng tôi - những người CCB chiến đấu trên chiến trường miền Nam tham gia vào các trận đánh dịp Tết Mậu Thân 1968 lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm, những vui buồn của một thời tuổi trẻ khi đất nước có chiến tranh. "50 năm trước, vào thời điểm những ngày tháng Chạp, quân và dân ta đã chuẩn bị nhân lực và vật lực cho một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diện rộng. Bắt đầu từ đêm 30 tháng Giêng năm 1968, quân ta đồng loạt tấn công địch ở hầu hết các thành phố, thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lị của miền Nam Việt Nam. Nhưng trước đó 10 ngày, quân ta được lệnh đã bất ngờ tấn công địch ở Khe Sanh - là vùng rừng núi nằm ở phía tây tỉnh Quảng Trị, nhưng lại có vị trí quan trọng, được quân đội Mỹ xác định căn cứ quân sự trọng yếu ở khu vực bờ nam Vĩ tuyến 17. Mục đích của quân đội ta tổ chức tấn công, vây đánh địch ở Khe Sanh nhằm nghi binh địch, tiêu hao sinh lực địch, làm cho địch bất ngờ. Để tiếp sau đó chúng ta sẽ tiếp tục gây bất ngờ tấn công địch ở các thành phố, thị xã..." Lúc này, Sư đoàn 325 của ông Hiệp được giao nhiệm vụ cùng với xe tăng bao vây đánh địch ở căn cứ Làng Vây, Khe Sanh. Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng trong hệ thống phòng ngự Khe Sanh của địch. Tại đây, ta với địch giành nhau từng tấc đất, rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống, góp phần làm nên chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. Trở về hậu phương, kỷ vật ông Hiệp mang theo là chiếc dù pháo - kỷ niệm của trận công kích giữa ta vào địch ở Khe Sanh và bức ảnh ông chụp chung với Anh hùng Núp, một người con của dân tộc Ba Na (Tây Nguyên), nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những kỷ vật đó được ông Hiệp nâng niu, trân trọng suốt 50 năm qua, để ghi nhớ một thời quá khứ hào hùng và oanh liệt.
Trong căn nhà nhỏ của ông Trịnh Văn Nhương, thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô), những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018 như đông vui hơn bởi sự có mặt của những đồng đội - những người đã từng chiến đấu vào sinh ra tử với ông trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Cùng đồng đội xem lại những thước phim về cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 ở Huế, ông Trịnh Văn Nhương cho biết, mặc dù địa bàn Huế không lớn nhưng đây lại là Cố đô và lực lượng của địch đóng ở đây khá đông. Do vậy Huế được xác định là một trong 3 chiến trường trọng điểm thực hiện đòn tiến công chiến lược nhằm bẻ gãy ý đồ xâm lược của kẻ thù. Để chuẩn bị tấn công vào Huế, trước đó quân ta đã bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược và lực lượng quân chính quy vào trong thành. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tấn công địch bất ngờ, nên ngay khi lệnh Tổng tiến công được phát đi vài giờ, quân ta đã thừa thắng xông lên khiến địch bất ngờ không kịp trở tay, chúng ta nhanh chóng chiến thắng và làm chủ được kinh thành Huế.
Là người lính đặc công đầu tiên tham gia đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn, ông Vũ Ngọc Dân, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) không khỏi bồi hồi khi nhớ về những năm tháng chiến đấu ác liệt nơi chiến trường. Năm ấy, ngoài các mục tiêu đánh khác của quân và dân ta tại Sài Gòn thì sân bay Tân Sơn Nhất là lần đầu tiên ta đánh địch tại đây, bởi trước đây địch cho rằng ta chưa đủ lực lượng để tiến đánh sân bay. Chủ quan nên bắt gặp sự tấn công bất ngờ của quân và dân ta tại đây đã làm cho địch hoang mang lo sợ. Tham gia đánh địch tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Dân và đồng đội đã được giao nhiệm vụ cắt dây thép gai, vô hiệu hóa các thiết bị báo động, cho nổ mìn ở các căn cứ quan trọng của địch trong sân bay, từ đó giúp cho lực lượng của ta dễ dàng đổ bộ tấn công địch. Với sự gan dạ, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu của các chiến sỹ, quân ta đã làm chủ được sân bay 3 tiếng. Tuy chỉ làm chủ sân bay được trong thời gian 3 tiếng đồng hồ, nhưng đã thể hiện ý chí quyết chiến đấu không khoan nhượng, không chịu lùi bước trước kẻ thù của những người lính cụ Hồ. Sau trận đánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vũ Ngọc Dân được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua diệt Mỹ.
50 năm đã trôi qua, với những người lính cụ Hồ năm nào, nay đã đều vào cái tuổi "xưa nay hiếm". Do ảnh hưởng của bom đạn, của chiến tranh, những ký ức năm xưa cũng đang dần rơi rụng theo thời gian, tuổi tác; nhưng mỗi lần được gặp nhau, được tay bắt mặt mừng, thấy đồng đội của mình còn khỏe mạnh, minh mẫn là thêm một niềm vui, niềm hạnh phúc. Họ gặp nhau không chỉ để ôn lại quá khứ hào hùng, bi tráng mà còn để tri ân, tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống, anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc; để cùng chia sẻ buồn vui với gia đình những đồng chí, đồng đội của mình; viết tiếp những trang sử cách mạng hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam cho các thế hệ con cháu đời sau.
Bài, ảnh: Hạnh Chi