Nhân kỷ niệm 57 năm ngày kết nghĩa, hơn 3 năm ngày ký kết Bản ghi nhớ nội dung hợp tác giữa Ninh Bình - Bạc Liêu, chúng tôi có dịp gặp lại một số người từng có thời gian công tác khá dài tại tỉnh Bạc Liêu những năm đầu mới giải phóng đất nước.Lật giở lại cuốn Album lưu giữ kỷ niệm gần 10 năm công tác tại Bạc Liêu yêu dấu (trước kia là tỉnh Minh Hải), ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình không khỏi bồi hồi xúc động. Trong cuốn Album dầy dặn đó, ông trân trọng lưu giữ tất cả những kỷ niệm, từ Quyết định cử cán bộ đi tăng cường vào tỉnh Minh Hải, những bức ảnh ông cùng đơn vị thi đua lao động sản xuất đã úa vàng theo thời gian gần 40 năm, đến những bài báo viết về thành tích của đơn vị và cá nhân ông và cả những bức thư gửi vợ con, gia đình, bạn bè trong những năm công tác xa nhà, đất nước còn nhiều khó khăn… Tất cả được ông Tuấn lưu giữ cùng những bằng khen, giấy khen của tỉnh Minh Hải, thị xã Bạc Liêu trao tặng như nhắc nhớ lại một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết và đầy đam mê với công việc. Nói về quá trình công tác gần chục năm (từ cuối năm 1975 đến năm 1983) tại Bạc Liêu, ông Tuấn cho biết: Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thủy lợi năm 1970, 23 tuổi đời, ông được điều động về công tác tại Ty Thủy lợi Hà Nam Ninh. Cuối năm 1975, ông cùng gần chục cán bộ được điều động tăng cường vào Minh Hải theo quyết định của Bộ Thủy lợi.
Thực sự mà nói, tuổi trẻ xa nhà, xa vợ con, lúc đầu ông Tuấn cũng có những tâm tư và chút lo lắng, hồi hộp. Nhưng rồi mọi suy nghĩ ấy qua nhanh khi vào đến nơi, ông nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên và tình cảm yêu thương như người nhà của cán bộ và nhân dân trong đó. Được phân về Sở Nông nghiệp tỉnh Minh Hải, công tác tại Phòng Thủy lợi trong điều kiện tỉnh mới giải phóng còn rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, do địa hình vùng sông nước mênh mông, kênh rạch nhiều nên các công trình thủy lợi hầu như chưa có. Lúc này, do lực lượng ít, ông Tuấn cùng đồng nghiệp kiêm nhiều việc, từ khảo sát, thiết kế đến kiêm luôn nhiệm vụ thi công các công trình.
Gần 10 năm công tác, ông Nguyễn Anh Tuấn kinh qua nhiều cương vị công tác, từ kỹ sư thiết kế công trình đến Phó phòng rồi Trưởng phòng Thiết kế, sau đó làm Phó Giám đốc Xí nghiệp khảo sát thiết kế tỉnh Minh Hải, năm nào ông Tuấn cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt nhiều danh hiệu cao quý: Chiến sỹ thi đua các cấp, được tặng 3 Bằng khen của UBND tỉnh Minh Hải, được đọc báo cáo điển hình tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Minh Hải năm 1982.
Riêng Xí nghiệp khảo sát thiết kế do ông lãnh đạo liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là con chim đầu đàn của ngành thiết kế khảo sát các tỉnh phía Nam. Nhiều công trình do ông và đồng nghiệp khảo sát, thiết kế giờ vẫn phát huy tác dụng, như tuyến đê biển từ thị xã Bạc Liêu đến cửa sông Ghềnh Hào, hệ thống kênh tiêu lớn tại các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình…, góp phần tiêu thoát nước cho hàng chục nghìn ha lúa, đưa từ sản xuất một vụ lúa thành 2 vụ lúa ăn chắc với năng suất, chất lượng ngày càng tăng.
Ông Tuấn cũng cho biết, kỷ niệm gần chục năm công tác ở Bạc Liêu thì có nhiều, nhưng những kỷ niệm về tấm lòng của người dân đối với cán bộ miền Bắc vào tăng cường thì ông nhớ hơn cả. Đó là những ngày tháng phải đi hàng tuần, có khi đến nửa tháng dọc các kênh rạch để khảo sát, thiết kế công trình, đội cán bộ của ông hầu như không phải mang nhiều lương thực, thực phẩm. Đi đến đâu các ông cũng nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân.
Chiếc vỏ lái (dạng thuyền) luôn chở theo các loại cá được đánh bắt tươi ngon, dừa, chuối cả buồng… của bà con gửi cho, nhiều khi nặng không thể chở hết. Cùng với đó là những lời động viên, quan tâm chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, anh em đồng chí, đồng nghiệp cùng cơ quan mỗi khi Tết đến Xuân về càng khiến ông và anh em tự nhủ phải cố gắng làm việc, đóng góp công sức, trí tuệ của mình vì một Bạc Liêu phát triển và giàu mạnh.
Đối với ông Hoàng Xuân Khuyên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, từng là Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch tỉnh Minh Hải thì những ngày tháng công tác tại tỉnh Minh Hải (đến năm 1997 tách ra thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) là những năm tháng tươi đẹp và đáng nhớ trong cuộc đời.
Chia sẻ về những kỷ niệm sâu sắc với Minh Hải, ông Khuyên cho biết: "Năm 1976, tôi được ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) điều động tăng cường cho tỉnh Minh Hải với nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn cho tỉnh làm kế hoạch và trước hết là xây dựng kế hoạch 5 năm (1976-1980), đào tạo những cán bộ của ủy ban Kế hoạch tỉnh về nghiệp vụ kế hoạch.
Tôi lên đường với tâm trạng phấn chấn bởi được vào tỉnh kết nghĩa với Ninh Bình, nhưng điều làm tôi bất ngờ hơn là vào trong đó tôi nhận được sự tiếp đón nồng hậu và thân tình như người con của gia đình mới đi xa về. Từ đó tôi ý thức được nhiệm vụ của mình và làm việc không chỉ với tinh thần trách nhiệm mà còn tự hào đây là cơ hội để người con được đóng góp xây dựng cho "quê hương thứ hai" của mình.
Với năng lực, trình độ của mình, cộng với sự trợ giúp của đồng chí, đồng nghiệp, ông Hoàng Xuân Khuyên đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế của Minh Hải dựa vào 3 thế mạnh lúc bấy giờ, bao gồm: Lúa, cá và rừng. Từ xác định được đặc điểm tình hình, việc xây dựng kế hoạch 5 năm được tỉnh hoan nghênh và trở thành phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh, sau đó là Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đặc biệt, với việc hoạch định và xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế đúng định hướng, ông Hoàng Xuân Khuyên được lãnh đạo tỉnh tín nhiệm giao trọng trách làm thư ký tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Minh Hải lần thứ nhất, nhiệm kỳ 1976-1980. Và bản kế hoạch 5 năm ấy được chỉ đạo triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Minh Hải, thu được những kết quả thắng lợi, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Hoài niệm về những ngày tháng công tác tại tỉnh Minh Hải, ông Hoàng Xuân Khuyên vẫn không nguôi nỗi nhớ như nỗi nhớ nhà, nhớ quê mặc dù năm 2015 ông đã có dịp được quay lại thăm một số nơi đã từng gắn bó ấy. Nhưng đau đáu trong lòng vẫn là nỗi nhớ dằng dặc và dai dẳng về những địa danh, vùng đất mà ông đã đi qua, từ Bạc Liêu, Cà Mau, Hồng Dân, Giá Rai, Thới Bình, Trần Văn Thời đến Năm Căn, Mũi Cà Mau, Cái Nước…
Và trong ký ức hơn 40 năm qua trong ông vẫn bồng bềnh những con sông dài rộng, một vùng sông nước mênh mông với Cái Lớn, Bẩy Háp, Gành Hào, Ông Đốc, Chèm Chẹm…, với những món ăn đặc sản như cua gạch tháng chín, cá trê nướng, cá lóc canh chua, mật ong vàng rộm… Và sâu sắc, tri kỷ hơn cả là tình đồng chí, đồng đội, tình người dân Minh Hải, Bạc Liêu đối với những cán bộ tăng cường như ông nói riêng, với những người con của quê hương Ninh Bình nói chung đã và đang sống trên mảnh đất cực Nam của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh - Minh Quang