Mặc dù Thông tư 22 quy định, người dùng phải đăng ký thông tin cá nhân để có thể sở hữu một thẻ sim, và mỗi người tối đa chỉ được sử dụng 3 số đối với một nhà mạng. Thêm nữa, với người dưới 14 tuổi (không có chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu) phải có bố mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật đứng bảo lãnh đăng ký. Nhưng thực tế cho thấy, ở nhiều điểm giao dịch, người sử dụng dễ dàng mua được một hoặc nhiều thẻ sim điện thoại với giá rất rẻ: từ 20 nghìn, 50 nghìn, 70 nghìn đến một trăm, hai trăm nghìn đồng, kèm theo tặng tiền vào tài khoản gấp hai, ba lần, có cửa hàng điện thoại di động quảng cáo bán máy giá rẻ, 300 - 500 nghìn đồng/máy, trong đó tài khoản đã có 2 trăm, 3 trăm nghìn đồng… Vì vậy, thay cho việc mua thẻ nạp dùng một số cố định, nhiều "thượng đế" sắm thêm máy, mua nhiều sim dùng dần, dùng xong vất sim đi không luyến tiếc.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, hiện tại dân số của Việt Nam là 87 triệu người, trong khi số lượng thuê bao di động tính đến tháng 4/2011 là 157.8 triệu thuê bao (đạt mật độ 182 thuê bao/100 dân). Hiện tượng số lượng thuê bao điện thoại bỏ xa dân số như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực và mang tính "ảo" hơn là phục vụ thiết thực cho lợi ích xã hội, theo đó còn là vấn đề lãng phí tài nguyên kho số…
Trò chuyện với một chủ cửa hàng chuyên bán sim, thẻ điện thoại trên đường Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình), khi hỏi về quy định đăng ký khi mua sim trả trước được biết, nguyên nhân không phải chỉ ở phía người bán, vì ngại kê khai, thủ tục rườm ra, trong khi xác định không dùng sim đó cố định, lâu dài, nên người sử dụng thường chọn ngay một số nào đó để mua cho nhanh. Và để nhanh, tiện, gọn, mang lợi ích cho cả hai bên, các đại lý cũng kinh doanh với phương châm "khách hàng là thượng đế" nên bằng mọi cách đăng ký hộ cho người dùng trước khi sim đến tay họ. Rồi để đăng ký được, chủ đại lý trưng tập chứng minh thư nhân dân của anh em, họ hàng, bạn bè ở mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là người cao tuổi, phụ nữ nông thôn, nên đã xảy ra tình trạng phụ nữ nông thôn không có nhu cầu dùng điện thoại di dộng nhưng lại được đăng ký tên hàng chục chủ thuê bao, hay chuyện "cười ra nước mắt" khi cụ già trên trăm tuổi vẫn "xài" 5-7 số điện thoại…
Tìm hiểu về đối tượng dùng sim giá rẻ cho thấy, đó chủ yếu là những học sinh, sinh viên, công nhân và những người lao động có thu nhập thấp; còn là những cán bộ, viên chức nhà nước, doanh nghiệp…không còn "mặn mà" với sim khuyến mại giá rẻ, bởi vì công việc, vì các mối quan hệ, việc thay đổi số liên tục nhiều khi "lợi bất cập hại", gây khó khăn trong quan hệ, giao dịch…
Trước tình trạng còn khó khăn trong việc quản lý thuê bao di động trả trước, ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng phòng kinh doanh của Viễn thông Ninh Bình cho biết: Đối với Viễn thông Ninh Bình, ngay khi có Thông tư 22, đơn vị đã triển khai thực hiện rất nghiêm túc. Hiện các điểm giao dịch, các đại lý có hợp đồng với Viễn thông Ninh Bình đều thực hiện nghiêm việc đăng ký thông tin thuê bao di dộng trả trước cho khách hàng. Còn đối với các đại lý, điểm giao dịch không ký hợp đồng với Viễn thông Ninh Bình, hàng ngày vẫn cung cấp số lượng khá lớn sim, thẻ, dịch vụ viễn thông thì doanh nghiệp không có trách nhiệm quản lý. Kiểm tra đối tượng này là thanh tra của Sở thông tin và truyền thông.
Tìm hiểu được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 đại lý, điểm giao dịch bán và cung cấp các thẻ sim di động trả trước của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ, trong khi đội ngũ thanh tra của Sở thông tin và truyền thông chỉ có 2 người. Bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ thuê bao di động trả trước, hàng năm Thanh tra Sở còn phải tiến hành nhiều cuộc thanh tra ở nhiều nội dung khác, nên việc thanh kiểm tra hoạt động này rất khó khăn. Hơn nữa, trong các cuộc thanh tra lại xảy ra tình trạng bất cập về tính xác thực của các thông tin như số chứng minh thư nhân dân không thể kiểm chứng do chưa có hệ thống chứng minh thư điện tử. Do vậy, việc trùng, lặp số chứng minh thư, sử dụng một số chứng minh thư để đăng ký cho nhiều thuê bao, thậm chí số chứng minh thư không hợp lệ vẫn còn tồn tại.
Để Thông tư 22 triển khai có hiệu quả hơn nữa cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, các đại lý, chủ điểm giao dịch và người sử dụng nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên viễn thông, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông Việt Nam và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông.
Huy Hoàng