Kỳ I: Xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn
Theo ông Lê Đức Mạnh, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì năm 2016, công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh ta vẫn tiếp tục gặp khó. Với mục tiêu đưa 1.000 lao động đi xuất khẩu trong năm 2016, nhưng đến thời điểm hiện tại, số người đi xuất khẩu vẫn còn rất thấp.
Nói về nguyên nhân khách quan, ông Mạnh cho biết, những năm gần đây lao động Ninh Bình đi xuất khẩu chủ yếu sang các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm 2016, số lao động sang thị trường Nhật Bản đã chững lại do số lượng doanh nghiệp tuyển lao động sang thị trường này ít hơn.
Mặt khác, tỷ giá hối đoái của đồng Yên cũng giảm so với những năm trước, trước đây thu nhập của người lao động khoảng 35 triệu đồng/ tháng thì hiện chỉ còn 25 triệu/tháng. Thị trường Đài Loan cũng bớt hấp dẫn do có nhiều biến động về chính trị, ảnh hưởng đến tâm lý người lao động. Riêng đối với thị trường truyền thống Malaysia, so với mọi năm thì đến thời điểm hiện tại, số lao động lựa chọn thị trường này ít hơn hẳn do không có doanh nghiệp về tuyển lao động đi thị trường Malaysia.
Cũng có một nguyên nhân khách quan khác, đó là thời gian qua, tỉnh ta đã làm tốt công tác thu hút đầu tư, nhiều Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp được thành lập với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã góp phần tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Tính riêng năm 2015, toàn tỉnh có 23.000 lao động có việc làm mới, vượt 5000 lao động so với mục tiêu đề ra. Với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng, người lao động cũng không muốn phải đi làm việc xa nhà. Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Mạnh thì xuất khẩu lao động là một hướng để giảm nghèo bền vững. Đối tượng hướng đến đều là những lao động nghèo, lao động ở vùng khó khăn. Tuy nhiên, có một thực tế là ngay cả những lao động ở vùng khó khăn cũng không mặn mà với việc đi xuất khẩu lao động.
Huyện Gia Viễn là một trong những địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động của tỉnh. Ông Hà Giang Nam, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn khẳng định, xuất khẩu lao động đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện, với việc đi xuất khẩu lao động, nhiều lao động có thu nhập tương đối cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, kinh tế ngày càng ổn định. Từ năm 2011-2015, toàn huyện có 343 lao động đi xuất khẩu. Mặc dù số lượng lao động đi xuất khẩu có tăng, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Cũng theo Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn thì có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu vẫn là do tâm lý người lao động ngại đi làm xa. Bên cạnh đó, trình độ tay nghề, ý thức kỷ luật của người lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của một số nước phát triển, nên chủ yếu làm công việc phổ thông với mức lương chưa cao. Ngoài ra, những năm đầu khi thực hiện chương trình xuất khẩu lao động (2005-2008), việc đưa lao động sang thị trường Malaysia chưa có sự sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng nên đã có nhiều lao động không thích nghi với công việc, phải bỏ về nước trước thời hạn làm ảnh hưởng đến việc vận động đưa lao động sang thị trường này. Trong khi đó, mặc dù hiện nay các chính sách hỗ trợ vay vốn đã tạo điều kiện rất tốt cho người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, đối với những lao động gặp công việc không thuận lợi, phải về nước trước hạn thì việc trả nợ cho ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn.
Kỳ II: Tái diễn tình trạng lao động đi xuất khẩu… chui và mục tiêu xuất khẩu 1.000 lao động năm 2016
Mặc dù không phải là "điểm nóng" về xuất khẩu lao động trái phép song trên địa bàn tỉnh ta tình trạng xuất cảnh "chui" cũng diễn ra không ít, nhất là ở các vùng nông thôn. Thị trường mà những lao động "chui" hướng đến nhiều nhất là Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) vẫn là địa phương có nhiều lao động xuất khẩu sang Trung Quốc nhất. Theo ông Vũ Dũng, Trưởng Công an xã Thạch Bình thì tuy địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động về hậu quả của việc đi xuất khẩu lao động trái phép, song số lao động bất chấp rủi ro lựa chọn cách đi xuất khẩu "chui" vẫn không giảm. Hiện nay, toàn xã có trên 200 lao động đi xuất khẩu lao động sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, Thạch Bình không phải là địa phương duy nhất có lao động đi xuất khẩu trái phép. Ông Lê Đức Mạnh, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, xuất khẩu lao động là con đường được nhiều người lựa chọn nhưng chi phí đi xuất khẩu lao động khiến không ít người băn khoăn. Trong khi đó, một số kẻ xấu đã tìm đủ mọi cách về các vùng nông thôn, vùng xa dùng lời ngon ngọt để bà con cho con em mình đi lao động ở nước ngoài bằng con đường không chính thống với mục đích làm giàu nhanh. Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ, song tình trạng xuất khẩu lao động trái phép đã xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Ngoài Trung Quốc thì quốc gia mà người lao động trong tỉnh di cư trái phép đến nhiều nhất đó là Nga. Họ đi theo hình thức đi du lịch với thời hạn chỉ từ 1-3 tháng. Tuy nhiên, vì sang nước bạn với mục đích tìm kiếm cơ hội việc làm nên khi hết hạn lưu trú, người lao động không chịu về nước mà "lách" ở lại để tìm việc. Thường thì người lao động sẽ được các môi giới lao động giới thiệu việc làm. Giới thiệu việc xong thì phía trung gian cũng "phủi tay", không hề chịu bất kỳ trách nhiệm về người được giới thiệu việc làm. Anh H. ở xã Gia Vượng (huyện Gia Viễn) có thâm niên hơn chục năm làm việc tại Nga. Gặp anh H. khi anh mới về thăm gia đình, anh cho biết: Thường thì lao động Việt Nam sang Nga được giới thiệu làm 2 nghề, đó là may mặc hoặc xây dựng. Tuy nhiên, công việc không đều, an ninh lại không đảm bảo nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Gặp được chủ tốt còn lấy được lương, chứ không ít người "ngậm đắng, nuốt cay" mất cả năm làm không công.
Những hậu quả từ việc đi lao động "chui" ở nước ngoài mà người lao động phải gánh chịu đã trở thành bài học đắt giá để cảnh tỉnh những người đang có ý định đi lao động theo con đường mạo hiểm, bất hợp pháp này.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2016 của tỉnh là 1.000 lao động. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi các địa phương trong tỉnh tiến hành khảo sát, tập hợp nhu cầu đi xuất khẩu lao động của nhân dân để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ giới thiệu những đơn vị làm công tác xuất khẩu lao động có uy tín về tuyển dụng lao động. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội còn tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được vay vốn có mức lãi suất ưu đãi với mức vay tối đa là 30 triệu đồng/người. Đặc biệt, tỉnh ta đã triển khai tích cực Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, những đối tượng trong độ tuổi lao động thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo hoặc cận nghèo sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, chi phí học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian học, tiền đi lại…
Đặc biệt, điểm mới trong công tác xuất khẩu lao động năm nay chính là tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi địa phương, đơn vị. Với cách làm này, các địa phương phải chủ động, sáng tạo tìm ra giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, những kiến nghị ở các địa phương sẽ được chuyển đến các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ kịp thời. Ông Hà Giang Nam, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn cho biết: Huyện sẽ tạo mọi điều kiện để các đơn vị được cấp phép đến địa bàn khảo sát, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu.
Đồng thời sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành liên quan xây dựng chỉ tiêu kế hoạch về công tác lao động việc làm, trong đó có công tác xuất khẩu lao động; lồng ghép giữa các hội nghị của huyện để tuyên truyền, tư vấn về xuất khẩu lao động cho các đội ngũ cán bộ cơ sở; tuyên truyền trên đài truyền thanh 3 cấp; cấp giấy giới thiệu cho các doanh nghiệp xuống trực tiếp các xã, thị trấn để tuyên truyền cho người dân, cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu lao động có uy tín và thu nhập cao, các chính sách hỗ trợ đối tượng đi xuất khẩu lao động... Đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn và cấp xã tăng cường công tác theo dõi, quản lý, báo cáo tình hình xuất khẩu lao động trên địa bàn.
Tuy nhiên, bản thân người lao động cần cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo của những kẻ cò mồi, môi giới để lựa chọn cho mình một thị trường lao động an toàn, phù hợp với trình độ tay nghề, khả năng tài chính… trước khi quyết định tham gia, có như vậy, khát vọng vươn lên làm giàu mới được đảm bảo và bền vững.
Đào Hằng