Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã nhấn mạnh: Những mô hình tổ chức sản xuất, đặc biệt là mô hình trồng cây ngô, cây hoa màu… do Tỉnh đoàn đưa xuống cần phải được nhân ra diện rộng để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả bền vững.
Từ ý tưởng đến hiện thực
Đồng chí Mai Văn Tuất, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Là đoàn thể được giao phụ trách công tác giảm nghèo tại 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn luôn trăn trở làm sao để tìm ra những hướng đi mới, những cách làm hiệu quả để thực hiện tốt Nghị quyết 10 ở nơi đây, xứng đáng với vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong đảm nhận những việc khó, việc mới. Và trong những lần khảo sát về tình hình hộ nghèo, những đồng chí cán bộ Đoàn đã đặt ra câu hỏi: Tại sao đồng đất nơi đây bị bỏ hoang chỉ có cỏ mọc um tùm, cây lúa thì không sống được vì không ưa đất mặn, chẳng nhẽ không có giống cây trồng nào tồn tại được trên mảnh đất này?
Đồng chí Mai Văn Tuất nói với chúng tôi: Những ngày trời nắng chang chang, đi kiểm tra nắm tình hình hộ nghèo trên địa bàn, tôi vẫn luôn nghĩ trên sa mạc cây xương rồng còn sống được thì chắc chắn sẽ có giống cây nào đó phù hợp với vị mặn của đất nơi đây, ngoài cây cói. Sau nhiều lần trăn trở suy nghĩ, sau những tìm tòi, khám phá, những lần đi cơ sở, học tập các kinh nghiệm từ tỉnh bạn, một ý tưởng có thể gọi là mang tính đột phá lúc đó là: Cỏ sống được thì ngô sống được. Đưa ý tưởng này trao đổi với lãnh đạo Huyện Kim Sơn lúc đầu cũng còn dè dặt, e ngại nhưng sau đó cả Tỉnh đoàn và huyện Kim Sơn đã cùng quyết thử đưa cây ngô vốn quen với đồng màu xuống thử nghiệm tại vùng đất cằn cỗi chỉ có nắng và gió với nhiều hy vọng cải thiện đời sống của bà con nơi đây, biến những cánh đồng cỏ dại thành những cánh đồng ngô. Từ ý tưởng đến hiện thực không phải là chuyện dễ dàng bởi xung quanh đó còn biết bao chuyện từ kinh phí đến thay đổi tập quán canh tác của bà con nơi đây… Tỉnh đoàn và huyện Kim Sơn đã mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng hỗ trợ nhân dân để làm điểm việc trồng ngô tại xóm 4, xã Kim Trung. Phát quang những bãi cỏ dại để gieo những mầm giống ngô đầu tiên rồi theo dõi, chờ đợi sự sinh trưởng của cây là những tháng ngày mất ăn, mất ngủ của lãnh đạo Tỉnh đoàn cũng như thử thách sự kiên trì của lãnh đạo huyện Kim Sơn. Và trời đã không phụ lòng người, ngô cứ lớn dần lên, ngút ngàn, xanh mướt, hạt ngô đều, thẳng tắp, bắp ngô chắc nịch. Vụ đầu tiên, sản lượng ngô thu được là 6 tấn/ha là niềm vui của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, lãnh đạo huyện Kim Sơn và người dân xóm 4 Kim Trung. Mô hình trồng ngô, rau màu kết hợp với chăn nuôi nhanh chóng được nhân rộng ra các xóm khác trong xã Kim Trung và mở rộng ra nhiều diện tích ở Kim Đông, Kim Hải. Từ đây họ có thể thoát nghèo nhờ cây ngô và một số cây rau màu khác.
Không chỉ đưa giống cây mới xuống những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao mà Tỉnh đoàn còn giúp nhân dân thoát nghèo bằng cách tặng bò, cho mượn bò sinh sản vì theo như lý giải của đồng chí Mai Văn Tuất, đây là một trong những phương thức hữu hiệu đối với một vùng quê có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người dân vừa thiếu vốn vừa thiếu kinh nghiệm sản xuất. Những ngày đầu tiên giao bò cho nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng không khỏi lo lắng vì sợ bò ngã nước hoặc không sinh sản được… Nhưng đến thời điểm này, những lứa bò đầu tiên đã sinh trưởng tốt, góp phần tích cực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. 15 con bò giống sinh sản với tổng trị giá trên 105 triệu đồng đã mang đến niềm vui cho nhiều hộ nghèo tại 3 xã bãi ngang.
Hiệu quả từ những mô hình mới
Ở xóm 4 xã Kim Trung, cách đây 1 năm không ai không biết đến hoàn cảnh của gia đình anh Phạm Văn Hiển. Vợ chồng anh sinh được 3 cháu thì cả 3 cháu đều ốm đau, bệnh tật quanh năm, không có khả năng lao động. Bản thân vợ anh cũng mắc bệnh nan y, một mình anh vật lộn, lo cuộc sống gia đình giữa một vùng đất khắc nghiệt. Anh Hiển tâm sự: Những năm trước đây, làm cói thì cũng được 10 nghìn đồng/ngày, vợ chồng, con cái cơm cháo nuôi nhau nhưng khi hàng cói không có đầu ra, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Mong muốn duy nhất của anh lúc đó là có thêm vốn để đầu tư nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu hoặc có thêm nghề phụ để vơi bớt khó khăn. Khi được hỗ trợ tiền để đầu tư trồng ngô và rau màu kết hợp với nuôi lợn, anh đã không giấu nổi niềm vui nhưng cũng lo lắng vì không biết cây ngô có sinh trưởng được trên mảnh đất này hay không. Nhưng niềm vui đã đến khi diện tích ngô mà anh gieo trồng đã thu được thắng lợi, cây rau màu sinh trưởng và phát triển tốt. Anh duy trì đều đặn 2 vụ ngô, 1 vụ khoai tây xen lẫn với nhiều loại rau màu. Anh tâm sự, chính những cây giống đầu tiên ấy đã giúp anh thoát nghèo và có được ngôi nhà tạm gọi là khang trang như hôm nay. Anh nói đùa với chúng tôi mình đã được "đổi đời" nhờ áp dụng mô hình mới này. Niềm vui thoát nghèo của anh Hiển là niềm vui của rất nhiều bà con tại 3 xã bãi ngang khi cây ngô đã dần thay thế cỏ dại.
Cũng thuộc diện hộ nghèo tại xã Kim Hải nhưng anh Phạm Văn Cảnh lại được Tỉnh đoàn hỗ trợ tặng 1 con bò giống sinh sản. Anh tâm sự: Cả đời tôi không bao giờ nghĩ đến mình có một tài sản lớn như thế này. Với những hộ gia đình khá giả thì một con bò không có gì là ghê gớm nhưng với những hộ nghèo như gia đình tôi thì đó là cả một gia tài... Từ con bò giống ấy, anh đã phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, dần ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Không những giúp đỡ về vật chất mà Đoàn thanh niên đã cùng với chính quyền địa phương khảo sát, phân loại hộ nghèo để có những biện pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả. Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn mở 2 lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản thu hút gần 200 đối tượng tham gia, đồng thời phối hợp với Doanh nghiệp may Xuân Xanh dạy nghề, tạo việc làm cho 30 đoàn viên, thanh niên với mức lương 600 nghìn đồng/người/tháng. Hoạt động tư vấn xuất khẩu lao động được chú trọng, đã tổ chức 4 lớp tư vấn xuất khẩu cho nhân dân 3 xã bãi ngang thu hút hơn 200 người tham gia.
Bên cạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại 3 xã bãi ngang, Tỉnh đoàn đã duy trì và triển khai các hoạt động trong chiến dịch "Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè" và Tháng Thanh niên với trọng tâm hướng về các xã nghèo, hộ nghèo để phát huy tinh thần tình nguyện của đoàn viên, thanh niên. Những đội hình tình nguyện tập trung của Trường Đại học Hoa Lư với hoạt động ôn tập hè, giúp nhân dân sửa nhà, xây dựng bể nước sạch hay đội hình tình nguyện khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, chuyển giao KHKT... đã để lại trong nhân dân 3 xã bãi ngang những tình cảm tốt đẹp.
Với nhiều việc làm thiết thực, với những cách làm mới, sáng tạo, tuổi trẻ toàn tỉnh đã góp phần tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo tại 3 xã bãi ngang. Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, tỷ lệ hộ nghèo của 3 xã bãi ngang đã giảm trung bình 6,4%.
Minh Tâm