Qua các mô hình trình diễn của khuyến nông nhân ra diện rộng trở thành những chương trình lớn của tỉnh trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. ở lĩnh vực trồng trọt, đã có 100% diện tích gieo cấy của tỉnh được cấy bằng giống lúa thuần tiêu chuẩn từ cấp 1 trở lên và các giống lúa lai cao sản. Từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ của Trung tâm, ngành Nông nghiệp xác định cơ cấu trà lúa phù hợp với từng địa phương, vùng đất, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng tăng vụ và phát triển vụ đông. Không chỉ có các giống lúa mới mà các cây trồng, như: ngô, lạc, đậu tương, tre lấy măng, nhãn hương chi, nhãn lồng Hưng Yên, cây Thanh long ruột đỏ, cây lâm nghiệp… cùng quy trình kỹ thuật gieo trồng được Trung tâm chuyển giao cho người nông dân đưa vào đồng ruộng.
Qua các năm, một số kinh nghiệm được đúc rút ra: Vụ xuân, gieo mạ nền có che phủ nilon trong và trà xuân muộn gieo mạ vào đầu tháng 2 dương lịch, cấy trong tháng 2 để lúa trỗ bông vào tháng 5 là tốt nhất; vùng đất trũng Nho Quan, Gia Viễn hay bị lụt tiểu mãn áp dụng thời vụ cấy sớm ở cả vụ xuân và vụ mùa; thay giống lúa thuần bằng giống lúa lai nhằm thực hiện thâm canh lúa tái sinh được nông dân hưởng ứng tích cực, ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả cao. Đối với cây lạc, áp dụng kỹ thuật gieo trồng vào đầu tháng 2 và bón phân cân đối, bón theo rạch hàng; thực hiện trồng lạc đông làm giống cho vụ xuân và đã có khoảng 80% diện tích vụ lạc xuân của tỉnh làm như vậy. Những năm gần đây, thông qua các mô hình khảo nghiệm của Khuyến nông mà ngành Nông nghiệp xác định được một số giống lúa thuần, năng suất khá, chất lượng tốt như: TBR 45, TBR 36, QR1… đưa vào sản xuất đại trà, giải quyết được tình trạng khan hiếm giống, giá giống cao và giảm bớt áp lực về giống nhập ngoại khi bước vào vụ sản xuất.
Với các chương trình trong chăn nuôi thì năng suất và chất lượng con nuôi được cải thiện và nâng lên. Từ giống dê cỏ địa phương tầm vóc nhỏ bé, năng suất thịt thấp đã từng bước được thay thế bằng dê lai bách thảo có tỷ lệ thịt sữa cao. Đàn gia cầm truyền thống được phát triển song song với những giống gà, vịt, ngan chuyên thịt, chuyên trứng. Chương trình cải tạo đàn bò được thực hiện từ những năm 2000 đã đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Từ phương pháp thụ tinh nhân tạo và phối giống trực tiếp, mỗi năm cả tỉnh có tới hàng nghìn bê lai ra đời đạt 25-75% máu ngoại, góp phần nâng cao tầm vóc đàn bò. Thành công tiếp đó là, việc tiếp thu kỹ thuật chăn nuôi lợn ngoại phục vụ cho xuất khẩu. Đã có nhiều trang trại chăn nuôi lợn ngoại thương phẩm quy mô từ 500-5.000 con như trang trại của ông Hành ở xã Phú Long, ông Hanh ở xã Thạch Bình (Nho Quan), ông Kim (Kim Sơn). Chương trình phát triển đàn thỏ ngoại Newzeland được mở rộng, từng bước tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến thực phẩm chức năng khi được xây dựng tại tỉnh nhà. ở lĩnh vực này, gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai nhiều mô hình con nuôi có giá trị cao: Cá rô đồng, cá lóc bông, cá rô phi đơn tính, cá bống bớp, cua xanh, ương giống ngao…
Ngoài việc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, Trung tâm Khuyến nông còn chuyển giao thành công công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng việc xây hầm Biogas, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo khí đốt cho người nông dân và đã có 4.000 công trình như vậy. Đây là chương trình có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế - xã hội; giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển và bảo vệ môi trường, được Quốc gia, quốc tế đánh giá cao.
Được biết, trong 5 năm qua, Trung tâm đã mở 760 lớp tập huấn kỹ thuật với 55.600 lượt người tham dự; tổ chức được nhiều cuộc tham quan, hội thảo đầu bờ ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; biên soạn và in ấn hàng vạn trang tài liệu kỹ thuật, tờ rơi, tờ gấp, tranh ảnh cung cấp, phát đến tận tay người nông dân. Mỗi cán bộ của Trung tâm Khuyến nông không chỉ vững về nghiệp vụ, thông thạo về thực hành mà còn là người tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu mô hình thành công, giống cây con mới… để người nông dân học tập và làm theo.
Trường Sinh