Những thành công bước đầu Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh 100% các doanh nghiệp đã đầu tư máy tính, kết nối mạng Internet, sử dụng email để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp. Đồng thời là công cụ để tìm hiểu thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như tìm kiếm thông tin về thị trường xuất khẩu.
Toàn tỉnh đã có hơn 800 doanh nghiệp xây dựng được website quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước. Một số website có 2 ngôn ngữ cung cấp các dịch vụ tiện ích như xác nhận đơn hàng qua email, sms, lọc/tìm kiếm sản phẩm, hỗ trợ trực tuyến... Một số ít các doanh nghiệp đã có cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử.
Qua thực tế bước đầu đã tiếp cận và sử dụng tốt các công cụ về marketting, online, đặt hàng, thanh toán và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như vatgia.com; alibaba.com, chodientu.vn, cổng thương mại điện tử quốc gia Ecvn...
Cùng với việc tham gia vào các trang thương mại điện tử, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhanh nhạy khi thiết lập trang Facebook, Fanpage để giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm. Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn lớn đã chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mà thông qua thẻ ATM, Mastercard, Visacard...
Vẫn còn không ít hạn chế
Mặc dù tiện ích của thương mại điện tử đã được khẳng định trong thời kỳ hội nhập kinh tế, tuy nhiên một số doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa thấy rõ vai trò, hiệu quả kinh tế của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nhân lực, tài chính dành cho thương mại điện tử còn hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp mới chỉ ở giai đoạn đầu nên hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
Mặc dù một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động bán hàng, thanh toán và marketing trực tuyến nhưng nhìn chung việc ứng dụng CNTT và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Nếu tính số lượng hơn 800 trang website so với gần 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng thương mại điện tử còn khiêm tốn. Trong khi đó, đa số website mang tính chất giới thiệu công ty, sản phẩm, dịch vụ, chưa hướng đến việc sử dụng như một công cụ xây dựng thương hiệu hoặc kinh doanh.
Hầu hết các website này cũng chưa tương thích với hệ thống công cụ tìm kiếm toàn cầu như Google, Yahoo...Thông tin trên website không được cập nhật thường xuyên, nội dung chưa được biên tập theo định hướng marketing để thu hút khách hàng, đặc biệt là còn thiếu các nội dung mang tính hỗ trợ, định hướng cho khách hàng, các kênh chia sẻ và phát tán thông tin.
Cần thêm nhiều giải pháp
Thương mại điện tử là lĩnh vực mới, phát triển nhanh nên cả cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn lúng túng khi triển khai tham gia vào các giao dịch điện tử.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để tiếp tục nâng cao nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải vào cuộc tích cực.
Trước mắt, cần xây dựng hạ tầng cơ bản và triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đưa thương mại điện tử từng bước trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp về thương mại điện tử theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với địa phương và lĩnh vực kinh doanh.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, trong thời gian tới Ninh Bình sẽ tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đẩy mạnh các hoạt động thống kê về thương mại điện tử, đưa hoạt động này thành nhiệm vụ thường xuyên của Sở Công thương nhằm phục vụ nhu cầu thiết thực trong công tác quản lý, điều hành và xây dựng chính sách về thương mại điện tử.
Sở Công thương cũng sẽ đẩy mạnh việc cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công.
Đồng thời, Sở cũng tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, phát triển các tiện ích thanh toán qua phương tiện điện tử, hỗ trợ người mua thanh toán trực tuyến, ứng dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử trong kinh doanh điện tử giữa các doanh nghiệp; cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mô hình ứng dụng thương mại điện tử...
Nguyễn Thơm