Theo kết quả công bố, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Ninh Bình đạt 61,86 điểm (được xếp trong nhóm trung bình), giảm 17 bậc so với năm 2016, đứng thứ 36/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 8/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 được tính dựa trên 10 chỉ số thành phần thì tỉnh Ninh Bình có 6 chỉ số giảm và 4 chỉ số tăng so với năm 2016. Trong các chỉ số giảm phải kể đến chỉ số về tính minh bạch giảm nhiều nhất, đạt 6,09 điểm (giảm 41 bậc so với năm 2016), đứng thứ 50/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nguyên nhân chỉ số tính minh bạch giảm do 9/10 chỉ tiêu thành phần cấu thành chỉ số này đều giảm so với năm 2016, như: Số doanh nghiệp tiếp cận tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý; các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh; vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách, quy định của tỉnh; điểm số về độ mở và chất lượng trang web của tỉnh và tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào website của tỉnh; thông tin mời thầu được công khai (chỉ tiêu mới), thấp hơn điểm trung bình của cả nước; số ngày để nhận được thông tin, văn bản sau khi đã đề nghị cung cấp...
Có thể nói đây là chỉ số rất quan trọng vì nó đo lường khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, liệu doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách công bằng các văn bản này, các chính sách và quy định mới có được tham khảo ý kiến của doanh nghiệp và khả năng tiên liệu trong việc triển khai thực hiện các chính sách quy định đó và mức độ tiện dụng của trang web của tỉnh đối với doanh nghiệp.
Với xu thế phát triển nhanh như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp rất cần được tiếp cận với các văn bản và tài liệu kế hoạch một cách công khai, minh bạch như ngân sách tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng… để nhà đầu tư có thể dự báo tình hình tốt hơn khi đưa ra quyết định đầu tư. Theo phân tích phản hồi điều tra PCI từ phía doanh nghiệp, để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng… thì nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho tỉnh có thể tăng cường thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài chỉ số về tính minh bạch thì chỉ số chi phí gia nhập thị trường đã giảm 24 bậc so với năm 2016, đứng thứ 39/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước; chỉ số đào tạo lao động, chỉ số chi phí không chính thức, chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số cạnh tranh bình đẳng đều giảm từ 1-2 bậc so với năm 2016.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để giữ vững, nâng cao các chỉ số thành phần PCI đang nằm trong tốp đầu của cả nước và cải thiện các chỉ số thành phần PCI có thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị của tỉnh cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Ninh Bình, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tỉnh.
Qua đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả, tránh tình trạng manh mún. Duy trì công tác kiểm soát thủ tục hành chính và cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại tất cả các sở, ban, ngành và UBND các cấp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, chống tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính. Tích cực triển khai các đề án đào tạo nâng cao năng lực hiểu biết pháp luật và năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp. Nâng cao năng lực của các tổ chức làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Khuyến khích những cá nhân (kể cả cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu) có hiểu biết, có năng lực về pháp luật và quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh tham gia thành lập các doanh nghiệp thành phần kinh tế tư nhân để thực hiện việc tư vấn cho doanh nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Hồng Giang