Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, nhiều gia đình có con đi lao động ở thị trường này như ngồi trên "đống lửa". Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, các ngành, địa phương và chính gia đình người lao động cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động dù ở lại nước sở tại hay trở về nước khi hết hạn hợp đồng cũng sẽ tuân thủ khuyến nghị của cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc và Việt Nam, đặc biệt là tuân thủ quy định về khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam và quy định về cách ly của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh ta, xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư) là địa phương có nhiều người đi xuất khẩu lao động ở thị trường Hàn Quốc nhất . Đến nay, toàn xã có trên 100 lao động đang làm việc tại thị trường này, trong đó có cả những lao động cư trú bất hợp pháp- nghĩa là không trở về nước sau khi đã hết hạn hợp đồng lao động. Bởi vậy, những ngày này, khi mà dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp tại đất nước Hàn Quốc xa xôi đã khiến cho nhiều gia đình có người thân đang lao động tại đất nước này như ngồi trên "đống lửa".
Ông Nguyễn Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa cho biết, hầu hết các gia đình đang rất lo lắng cho người thân. Trước tình hình đó, xã đã thành lập các tổ công tác bao gồm lực lượng y tế, công an, trưởng thôn… đến tận các hộ gia đình để động viên, cấp phát các tờ rơi phân tích và hướng dẫn cách phòng, tránh bệnh để các gia đình tuyên truyền cho người thân thông qua các cuộc điện thoại thăm hỏi. Địa phương cũng phân tích và yêu cầu các gia đình cam kết sẽ động viên người thân nếu từ vùng dịch trở về nước thì phải chấp hành đầy đủ, trung thực các yêu cầu về khai báo y tế, sẵn sàng thực hiện cách ly để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn) hiện có 60 người đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó nhiều nhất vẫn là ở thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Đức… Những ngày này, khi Hàn Quốc trở thành nước thứ hai (sau Trung Quốc) có số người nhiễm dịch bệnh Covid-19 cao thì không chỉ những người sinh sống ở đây bất an mà người thân của họ ở quê nhà cũng bồn chồn, lo lắng không kém. Chưa bao giờ thông tin về đất nước Hàn Quốc xa xôi lại được người nông dân ở mọi vùng quê quan tâm theo dõi như lúc này.
Gia đình ông Nguyễn Huy Sử có cậu con trai là Nguyễn Huy Tuyến đang làm việc tại Hàn Quốc. Từ khi nghe tin về dịch bệnh, ông Sử thấp thỏm đến mất ăn, mất ngủ, cập nhật thường xuyên và tâm trạng rất lo lắng khi tình hình bệnh dịch lây lan khá nhanh tại Hàn Quốc.
Vì vậy, ngày nào ông cũng điện thoại sang cho con để nắm tình hình. "Không chỉ các cháu ở bên đó lo, mà mọi người ở nhà đều rất sốt ruột. Chúng tôi ở nhà thường xuyên liên lạc, hỏi thăm tình hình, động viên và dặn dò các cháu phải tự bảo vệ mình, nhất là khi cháu phải di chuyển từ chỗ ở đến chỗ làm bằng phương tiện công cộng. Qua điện thoại cháu cũng nói rằng đã được tuyên truyền và hướng dẫn cách phòng tránh rất chu đáo. Mong rằng dịch bệnh sớm được khống chế để các cháu yên tâm làm việc" - ông Sử nói.
Trung úy Nguyễn Bá Phúc, Công an xã Gia Trấn cho biết: Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh về sự cần thiết phải thực hiện nghiêm việc phát hiện, cách ly, kiểm soát nghiêm ngặt lao động xuất khẩu từ vùng có dịch về nước nhằm giảm thiểu khả năng xâm nhập và nguy cơ lây nhiễm bệnh, chúng tôi đã tăng cường rà soát nắm chắc các gia đình có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc để tuyên truyền cho họ thông tin đến người thân cần tuân thủ các phương án cách ly theo yêu cầu khi trở về nước. Đồng thời, phối hợp với Trạm y tế, cán bộ thôn… tăng cường tuyên truyền để mọi người dân địa phương yên tâm phòng tránh dịch, không hoang mang, kỳ thị các gia đình có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc.
Đối với những lao động đã thực hiện khai báo y tế đầy đủ và được cho phép trở về địa phương từ trước ngày 26/2, xã cũng cử đội công tác đến tận nhà để nắm bắt tình hình, vận động người lao động tự cách ly tại nhà. Anh Lê Việt Hoàn, ở xóm 1, xã Gia Trấn là lao động ở Hàn Quốc trở về Việt Nam vào tối ngày 26/2. Mặc dù không trở về từ vùng tâm dịch và các chỉ số sức khỏe của hai vợ chồng và con nhỏ ở mức bình thường, song ngay từ khi về đến nhà, gia đình anh Hoàn đã thực hiện phun khử trùng trong khuôn viên và đồ đạc bằng Cloramin B, đồng thời thực hiện cách ly tại nhà.
Anh Hoàn cho biết: Khi còn ở Hàn Quốc, chúng tôi có đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam để thông tin và doanh nghiệp chủ quản cũng hướng dẫn khá chi tiết các biện pháp phòng dịch. Tôi quyết định đưa vợ và con về nước, khi mà tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc đang diễn biến rất phức tạp. Trước khi về, tôi cũng đã tìm hiểu kỹ thông tin, quy trình, quy định để tích cực hợp tác với các ngành chức năng, vừa để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 24/2, toàn tỉnh có 859 lao động xuất khẩu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Thời gian qua, các địa phương có lao động làm việc tại Hàn Quốc đã tăng cường tuyên truyền, gặp gỡ, trao đổi và động viên các gia đình có người thân đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, nhất là ở vùng có dịch, để họ là chỗ dựa vững chắc về mặt tâm lý, không hoang mang, lo lắng và tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo về dịch tễ và y tế của các cơ quan chức năng sở tại.
Trước đó, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng khuyến cáo, người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cần hạn chế đi lại nơi công cộng, không đến tâm dịch và đặc biệt là không nên di chuyển khỏi Hàn Quốc nếu không cần thiết. Ngoài ra, người lao động cũng cần kịp thời liên hệ với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Văn phòng Quản lý lao động phổ thông EPS để thông báo tình hình dịch bệnh, sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng để được tư vấn, hỗ trợ, ứng phó khi cần thiết. Trong trường hợp về nước, người lao động phải tuân thủ khuyến nghị của cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc và Việt Nam, đặc biệt là tuân thủ quy định về khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam và quy định về cách ly của Bộ Y tế.
Bài, ảnh: Đào Hằng