"Tăng trưởng xanh" là sự tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, tạo ra các động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo các cơ hội việc làm mới và đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, không chỉ môi trường sống được bảo vệ mà sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia ứng dụng tăng trưởng xanh cũng được đảm bảo bền vững. Đầu tư cho tăng trưởng xanh mạnh mẽ nhất được thực hiện ở khu vực Tây Âu và Đông á, nơi các nước đều dành ưu tiên cao cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, công nghiệp văn hóa, xây dựng lối sống xanh…
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, dù với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Với gần 3.400 km bờ biển có khả năng cung cấp nguồn năng lượng gió ước tính khoảng 500 - 1.000 kWh/m2 mỗi năm. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước…
Theo thông tin được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương đưa ra, tăng trưởng GDP của Việt Nam từ năm 2015 trở đi khoảng trên 6% sẽ cần gần 100 triệu tấn dầu quy đổi. Phát thải khí nhà kính của Việt Nam hiện chưa lớn, nhưng đến năm 2020, khí thải ước tính vào khoảng 381 triệu tấn CO2, năm 2030 lượng khí thải CO2 tăng lên gấp đôi. Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và giảm khí thải nhà kính. Hiện Việt Nam phải nhập khẩu than từ Trung Quốc, Lào và Campuchia cho phát triển nhiệt điện. Nguồn năng lượng từ hóa thạch như dầu, than sẽ dần cạn kiệt, việc phát triển năng lượng tái tạo ngày càng cấp thiết. Dự báo đến năm 2030, khi không còn nguồn năng lượng dự trữ nào cho phát triển, sẽ phải dùng đến dự án phát triển điện hạt nhân.
Tại Ninh Bình, tăng trưởng xanh tuy đã được một số doanh nghiệp lớn ứng dụng, song chưa thành xu thế do tầm quan trọng của tăng trưởng xanh chưa thật sự được đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, số đông người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Ninh Bình nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài. Không chỉ vậy, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giá đầu tư, và dân chúng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng bày tỏ quan điểm: Nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, trong khi Việt Nam hiện đang có tiềm năng phát triển rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, điện sinh khối…). Tuy nhiên, Việt Nam chưa có chiến lược cụ thể cho việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, do đó các doanh nghiệp không đủ tiềm lực để tự nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực tái tạo năng lượng vào sản xuất.
Cũng theo thống kê của ngành Công thương: Hiện cả nước có 77 dự án điện gió đã đăng ký, tổng công suất trên 7.000 MW tại 18 tỉnh trên cả nước, công suất đăng ký giai đoạn 1 là 1.488 MW. Các dự án tập trung nhiều nhất trên địa bàn 2 tỉnh là Bình Thuận (22 dự án) và Ninh Thuận (16 dự án).
Các dự án điện sinh khối thực hiện nhiều nhất từ bã mía. Hiện có 40 nhà máy đường sử dụng bã mía để cùng phát nhiệt và điện. Đối với sinh khối lỏng với khoảng 80 máy phát điện sử dụng biogas với tổng công suất gần 700 kW (bình quân 9 kW/máy) được lắp đặt phục vụ chiếu sáng và sử dụng nội bộ quy mô gia đình.
Dự án điện từ chất thải sinh hoạt, hiện mới chỉ có nhà máy điện đốt khí thu gom từ bãi chôn lấp rác đầu tiên được xây dựng tại bãi rác Gò Cát (TP. HCM) với sản lượng trung bình 9 triệu kWh/năm. Hiện đang nghiên cứu triển khai dự án đầu tư xây nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Phước Hiệp, Đa Phước. Các dự án về năng lượng mặt trời thực hiện trong thời gian gần đây với công suất chưa lớn như: dự án điện mặt trời với công suất 154 kWp ở khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), pin mặt trời cho một số điểm đảo…
Khó khăn lớn nhất để các doanh nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là hiện nước ta vẫn chưa có văn bản nào quy định riêng về năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có trường đại học đào tạo về năng lượng tái tạo. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng mới chỉ thông qua 3 trường đại học nâng cao trình độ và kiến thức cho cán bộ, kỹ sư tại các dự án năng lượng tái tạo hiện có.
Để nguồn năng lượng tái tạo thực sự đi vào cuộc sống cần phải xây dựng luật về sử dụng năng lượng tái tạo và thành lập một ban điều phối liên bộ để có những giải pháp và thực thi đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành khung thể chế về lưới điện thông minh; về sử dụng hợp đồng EPCO và phí về hiệu suất sử dụng năng lượng; quy hoạch tổng thể về năng lượng tái tạo đến năm 2025; quy hoạch về sử dụng năng lượng tái tạo trong ngành giấy, thép, những đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm để thay đổi cách sử dụng năng lượng.
Xuân Dậu