Với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là tập trung xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô của cả nước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã tập trung nghiên cứu ban hành các chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện dự án.
Nổi bật là Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/NQ-BCSĐ ngày 13/2/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh ban hành một số quyết định, kế hoạch trọng tâm để tập trung điều hành, tổ chức thực hiện để tạo điều kiện giải quyết những khó khăn, vướng mắc trọng yếu về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo mặt bằng sạch.
Đó là: Quyết định 20/2018/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 về ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định 1302/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 về việc phê duyệt ban hành Kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020; Quyết định 1377/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 về việc ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 27/2/2017 về thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 28/12/2016 của Tỉnh ủy Ninh Bình về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Vì vậy, một số dự án sản xuất quy mô lớn đã từng bước đi vào hoạt động, tạo ra sản phẩm mới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách của địa phương, như: Tập đoàn Thành Công chuyển đổi, nâng công suất nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Khu công nghiệp (KCN) Gián Khẩu lên 80.000 xe/năm và xây dựng mới Nhà máy HTMV số 2 công suất 100.000 xe/năm tại KCN Gián Khẩu 50ha mở rộng; Nhà máy sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina tại KCN Phúc Sơn đầu tư đạt công suất thiết kế (150 triệu sản phẩm camera modul cho điện thoại) và mở rộng sản xuất tạo thêm nhiều sản phẩm mới (công suất 3 triệu camera modul cho ô tô, 96 triệu sản phẩm nút home điện thoại); dự án Nhà máy kính nổi CFG Ninh Bình công suất 1.200 tấn/ngày của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long tại KCN Khánh Cư; dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô của Công ty cổ phần Sejung (công suất 570.500 sản phẩm/năm) tại Cụm công nghiệp Cầu Yên... và các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại các cụm công nghiệp.
Với mục tiêu "Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái"; ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành một số nghị quyết, quyết định như: Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020 và các Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng đến các vùng sản xuất; chỉ đạo ban hành kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp gắn với kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn hàng năm, giai đoạn.
Một số mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế đã được nghiên cứu triển khai áp dụng đạt hiệu quả cao và ngày càng được được nhân rộng như: Mô hình "Sản xuất gốm cổ truyền thống Bồ Bát"; mô hình "Phát triển bền vững thông qua xây dựng chuỗi giá trị và hệ sinh thái từ văn hóa thảo dược bản địa"; mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại Kim Sơn, thâm canh 3 vụ/năm trong nhà lưới, doanh thu lên tới 8 - 10 tỷ đồng/ha; mô hình nuôi thâm canh cá nước ngọt trong ao nổi tại Gia Viễn, Yên Mô cho năng suất từ 30 - 50 tấn/ha, doanh thu từ 1,5 - 3 tỷ đồng/ha… đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đến cuối nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 135 triệu đồng (vượt mục tiêu Đại hội).
Để phát triển du lịch, tỉnh đã kịp thời ban hành, triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước khẳng định được vị thế của du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch của cả nước, trong khu vực và trên thế giới, đưa Ninh Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè trong và ngoài nước; tạo ra sản phẩm du lịch mang bản sắc truyền thống, văn hóa riêng có của mảnh đất Cố đô nghìn năm lịch sử.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 03-KL/TU ngày 26/6/2017 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành, chỉ đạo ban hành một số nghị quyết, kết luận trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Đó là Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 10/7/2018 của HĐND tỉnh về thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12-NQ/BCSĐ ngày 15/2/2017, Kết luận số 04/KL-BCSĐ ngày 9/1/2018 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 8/2/2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và quản lý quy hoạch, khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Nhờ đó, hoạt động du lịch đạt kết quả rõ nét, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 về khách tham quan tăng trên 6%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 12%/năm, doanh thu du lịch tăng 24%/năm. Năm 2019, toàn tỉnh đón 7,65 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt trên 3.600 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm đầu nhiệm kỳ.
Từ thực tế phát triển của Ninh Bình những năm qua đã cho thấy, các Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp trên đã dần định hình các ngành nghề trọng tâm, trọng điểm trong trục kinh tế của tỉnh để có các chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư kịp thời vào địa phương.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, việc phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ; du lịch và nông nghiệp theo hướng hàng hóa sẽ là thế chân kiềng vững chắc để tạo nên những bước đột phá giúp Ninh Bình có thể hoàn thành sớm các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
Vân Giang