Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có hàng trăm nghìn lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó có hàng nghìn lao động đến từ ngoại tỉnh và các vùng lân cận có nhu cầu thuê nhà ở. Hầu hết, những dãy nhà trọ dựng tạm bợ, không gian chật hẹp, điện nước thường xuyên thiếu thốn. Vấn đề nhà ở cho công nhân đang là bài toán nan giải ở nhiều khu, cụm công nghiệp.
Nhà ở cho công nhân: Mong sớm thành hiện thực
Công nhân phấn khởi khi nhận tiền hỗ trợ thuê nhà
Nữ công nhân Trần Thị Thu, 28 tuổi quê ở tỉnh Nghệ An đến làm việc tại Công ty Jeil Kovi (KCN Khánh Phú, huyện Yên Khánh) từ năm 2019. Mức lương của một tổ trưởng như Thu đạt khoảng 10 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này là khá cao so với mặt bằng lao động chung. Nhưng như Thu chia sẻ, việc trang trải cho cuộc sống phải tiết kiệm nhiều hơn nếu muốn có một khoản cố định gửi về cho bố mẹ nuôi các em đang ăn học ở quê.
Trước đây, Thu ở một mình. Giờ vật giá leo thang, các khoản chi phí sinh hoạt cũng tăng vọt nên Thu ở cùng anh trai trong ngôi nhà thuê ở thôn Phú Hải, xã Khánh Phú. Mỗi tháng, hai anh em Thu chi 1,5 triệu đồng cho tiền nhà. Tiền nhà là khoản không thể tự điều chỉnh, vì vậy hai anh em phải tiết kiệm các khoản sinh hoạt khác. Khi nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thu rất phấn khởi.
Chị Thu là một trong số 11 lao động ở Công ty Jeil Kovi đủ điều kiện nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà. Bà Lê Thị Khuyên, phụ trách nhân sự Công ty Jeil Kovi cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực in thêu. Những năm qua, Công ty luôn quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách để "giữ chân" người lao động. Tuy vậy, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tạo biến động nhất định về nguồn lao động, nhất là đối với lao động ngoại tỉnh. Để ổn định đời sống người lao động, Công ty cũng đã hỗ trợ một số chế độ phúc lợi khác.
Đặc biệt, ngay khi có chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho lao động ở thuê theo Quyết định số 08/QĐ-TTg, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động nắm được chính sách, đồng thời hướng dẫn người lao động hoàn thiện các thủ tục, lập danh sách gửi đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết. Đến nay, những lao động thuộc diện được thụ hưởng đã nhận được tiền hỗ trợ.
Theo số liệu thống kê từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có trên 42 nghìn lao động đang làm việc tại 73 doanh nghiệp trong 5 KCN. Trong đó, chủ yếu là lao động trong tỉnh. Một bộ phận lao động là người ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ để thuận tiện cho công việc. Trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong khi đó, giá cả sinh hoạt có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người lao động. Để tiết kiệm chi tiêu, người lao động phải thuê trọ trong những căn phòng chật chội, tiết giảm nhu cầu thiết yếu khác.
Ngày 28/3/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/ QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động . Gói hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng. Ngay khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 08, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực, khẩn trương vào cuộc, phấn đấu để dòng tiền hỗ trợ sớm đến đúng đối tượng được thụ hưởng, góp phẩn cải thiện cuộc sống cho người lao động.
Theo kết quả rà soát, toàn tỉnh có trên 2.200 lao động thuộc diện được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến trên 3,3 tỷ đồng. Trong đó, lao động trong KCN là 2.152 người; lao động quay trở lại thị trường là 54 người. Đến nay, các địa phương đã bắt đầu thực hiện công tác chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.
Sở hữu nguồn lao động ổn định là yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Cần giải pháp lâu dài
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có hàng trăm nghìn lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, có hàng nghìn lao động đang phải thuê nhà ở. Để tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu, phần lớn công nhân tự thuê phòng ở gần nơi làm việc của mình và họ đều phải chọn giải pháp vài người chung nhau thuê một phòng tại những dãy nhà trọ tư nhân xung quanh nhà máy, KCN.
Hầu hết, những dãy nhà trọ dựng tạm bợ, không gian chật hẹp, ẩm thấp, điện nước thường xuyên thiếu thốn. Vấn đề nhà ở cho công nhân đang là bài toán nan giải ở nhiều nhà máy, KCN. Trong khi đó, hầu hết công nhân khi được hỏi về nhu cầu nhà ở đều bày tỏ mong muốn được doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương xây nhà ở dành cho họ.
Giải quyết nhà ở cho người lao động nói chung là một vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/6/2009. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở cho công nhân thuê được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo lộ trình cụ thể.
Ngày 30/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2127/QĐTTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu rõ quan điểm, định hướng giải quyết nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, CCN và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài KCN theo hướng Nhà nước chủ động tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho thuê; đồng thời có chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua đối với các hộ gia đình, cá nhân là công nhân lao động tại các KCN.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐTTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất".
Thực hiện các quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện quy hoạch các khu vực để xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng các thiết chế công đoàn. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, đề xuất của các địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khu nhà ở xã hội phục vụ KCN Gián Khẩu và người lao động khu vực lân cận với mục tiêu thực hiện Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2022 đối với các khu vực phát triển nhà ở theo dự án.
Dự án này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu về nhà ở phù hợp với số lượng công nhân theo sự phát triển của KCN Gián Khẩu và người lao động có thu nhập thấp ở khu vực lân cận. Theo dự án, diện tích sàn xây dựng nhà ở là trên 208.998 m2 . Trong đó, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại là trên 2 nghìn căn, phục vụ cho quy mô dân số dự kiến trên 7.500 người.
Các ưu đãi của tỉnh đối với dự án: Khu vực thực hiện dự án đã được GPMB, tạo quỹ đất sạch để giao ngay cho nhà đầu tư ngay sau khi được lựa chọn; toàn bộ hạ tầng thiết yếu bên ngoài hàng rào dự án đã được tỉnh đầu tư đồng bộ (hệ thống giao thông, điện nước, cây xanh..); Dự án đã được đưa vào danh sách báo cáo Bộ Xây dựng để được cho vay hỗ trợ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Dự án đã có đầy đủ các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư.
Theo ông Lê Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay Dự án đã được đăng tải, giới thiệu tới nhiều nhà đầu tư tiềm năng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư. "Mặc dù các dự án được Nhà nước hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, người mua, thuê mua, thuê nhà ở cũng có chính sách được vay ưu đãi, tuy nhiên hiệu quả đầu tư không cao so với số lượng vốn đầu tư lớn nên các doanh nghiệp còn ngần ngại chưa muốn đầu tư vào" - ông Lê Việt Hưng bày tỏ.
Trước mắt, để tháo gỡ vấn đề nhà ở cho công nhân tại các KCN, CCN thì tiền lương của công nhân tại doanh nghiệp phải được quan tâm đúng mức, đảm bảo cuộc sống tối thiểu và tiền thuê nhà. Mặt khác, các cấp có thẩm quyền ở địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, giúp công nhân tiếp cận nhà ở.
Tỉnh ta cũng cần nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về nguồn vốn, mẫu nhà, công nghệ, quy chế quản lý theo tiêu chí: diện tích, hạ tầng, hỗ trợ vay vốn để xây dựng nhà ở cho thuê... Phát triển nhà ở cho công nhân trong KCN, CCN là một chủ trương lớn, kịp thời của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở hiện nay.
Tuy nhiên, để chủ trương lớn này sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng, tích cực hơn nữa trong việc tạo ra cơ hội về nhà ở cho các đối tượng trên. Thiết nghĩ, đây cũng là một cách đầu tư để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của bản thân doanh nghiệp. Bởi với người lao động, có an cư thì mới lạc nghiệp.