Chúng tôi đến thăm mô hình ương nuôi hàu, ngao giống của gia đình bà Phan Thị Nguyệt, xóm 4, xã Kim Trung, một trong những hộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Trước đây, cuộc sống gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn do sản xuất không hiệu quả. Diện tích ao, đầm thì rộng nhưng lại không có vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Mấy năm gần đây, được vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH huyện, cùng số tiền tích cóp của gia đình, bà Nguyệt đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 3 ao nổi, mua trang thiết bị chuyên sản xuất hàu và ngao giống. Mỗi năm, mô hình sản xuất của bà cung ứng ra thị trường gần 5.000 chùm giống hàu cửa sông, hàu đại dương và hàng vạn con ngao giống, trừ chi phí thu về trên 1 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Nguyệt phấn khởi cho biết: "Nguồn vốn chính sách vùng khó khăn thực sự có ý nghĩa đối với người dân thuộc xã khó khăn như Kim Trung. Nhờ đó, gia đình tôi đã có điều kiện phát triển mô hình hàu giống, ngao giống, tạo việc làm và thu nhập cho 10 lao động".
Ông Đinh Xuân Hùng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 4, xã Kim Trung cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 4, xã Kim Trung có hơn 30 thành viên. Đến nay tổng dư nợ của các chương trình tín dụng là trên 2 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt 1 tỷ đồng.
Nguồn vốn này có ý nghĩa quan trọng, giúp hơn 20 hộ có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ đã đầu tư sản xuất hiệu quả, có thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, trong đó chủ yếu phát triển các mô hình ương nuôi giống và nuôi thành phẩm các giống thủy sản như: tôm, cua, ngao, hàu, cá mú...
Được biết, huyện Kim Sơn có 5 xã được thụ hưởng nguồn vốn của chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đó là: Kim Mỹ, Kim Tân, Cồn Thoi, Kim Hải và Kim Trung.
Điểm khác so với các chương trình tín dụng chính sách mà Ngân hàng CSXH đang triển khai là đối tượng vay vốn được mở rộng, các hộ gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Ngay từ khi mới triển khai chương trình, Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng.
Tính đến hết tháng 6/2019, tổng dư nợ của chương trình đạt gần 63 tỷ đồng, giúp hàng nghìn gia đình có điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư cải tạo ao, đầm và ứng dụng hình thức sản xuất tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất giống và nuôi thủy sản, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn cho biết: Dù đồng vốn còn hạn chế, song đã giúp các hộ không phải là hộ nghèo trước đây rất cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng không vay được các ngân hàng thương mại vì không có tài sản thế chấp được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại vùng khó khăn và xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Phòng giao dịch sẽ tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các đối tượng thụ hưởng về chính sách và những quy định trong việc cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Đồng thời tiếp tục đề nghị với Ngân hàng cấp trên phân bổ nguồn vốn để đầu tư cho 5 xã trọng điểm vùng khó khăn của huyện, giúp các xã phấn đấu về đích nông thôn mới theo đúng lộ trình, kế hoạch.
Bài, ảnh: Giáng Hương