Vì thế, việc tiếp tục đổi mới cuộc vận động không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cùng vượt qua thử thách, mà qua đó còn giúp doanh nghiệp tạo thêm nhiều việc làm, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, sẵn sàng cạnh tranh khi các hiệp định thương mại thế hệ mới có hiệu lực.
Sở Công Thương-đơn vị có vai trò quan trọng trong việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại như Đưa hàng Việt về nông thôn, về chợ truyền thống ở các địa phương trong tỉnh; tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hàng nội, giữa doanh nghiệp với các địa phương.
Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng 3 điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng; tổ chức 2 hội nghị kết nối cung cầu với sự tham gia của 370 đại biểu là đại diện Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc và một số tỉnh, thành phố khác; thực hiện 80 chương trình xúc tiến thương mại với tổng số tiền gần 9,4 tỷ đồng.
Tổ chức 8 hội chợ với trên 1.250 gian hàng tại 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh, thu hút 400 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.400.000 lượt người tham quan, mua sắm, trị giá giao dịch khoảng 13 tỷ đồng; tổ chức 2 đợt đưa hàng Việt về khu công nghiệp với sự tham gia của 2 doanh nghiệp và 6.000 lượt người tham quan, mua sắm, trị giá giao dịch 2,5 tỷ đồng.
Đã xuất hiện một số mô hình, điển hình trong sản xuất, tiêu thụ hàng Việt như: Gian hàng giới thiệu và tiêu thụ nông sản an toàn sông Vân (phường Đông Thành-thành phố Ninh Bình); 8 gian hàng giới thiệu sản phẩm an toàn tại trụ sở Liên minh HTX tỉnh; cửa hàng nông sản an toàn tại phường Tân Thành, Thanh Bình (thành phố Ninh Bình); mô hình sản xuất tinh bột nghệ (xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp); mô hình chăn nuôi tổng hợp (dê, bò), sản xuất theo chuỗi (thôn 12, xã Đông Sơn-Tam Điệp); mô hình nuôi, trồng thủy sản (phường Yên Bình, Tam Điệp); HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn tại xã Khánh Công (Yên Khánh); trồng cây thuốc nam trên đất bãi bồi ven biển (Kim Hải, Kim Sơn); mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao (xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình)…
Theo đánh giá của lãnh đạo ủy ban MTTQ tỉnh: Trước khi có Cuộc vận động có khoảng 30% người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn hàng Việt khi mua sắm; đến nay đã có trên 80% người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt đối với các mặt hàng giày, da, dệt may, nhất là hàng may mặc, đồ dùng trẻ em; trên 80% sử dụng hàng thực thẩm tươi sống, hàng thực phẩm công nghệ; vật liệu xây dựng, trang trí nội thất hàng Việt Nam chiếm 80 - 85% và 100% người tiêu dùng sử dụng hàng thủy sản có nguồn gốc trong nước, trong tỉnh.
Các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cùng với nhiều sản phẩm tặng kèm đã thu hút khách hàng tập trung mua sắm, trải nghiệm và sử dụng sản phẩm. Với giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, đa số các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, hội chợ, triển lãm, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn… do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện đã làm thay đổi nhận thức người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước, từng bước xây dựng và củng cố niềm tin cho thương hiệu.
Hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ có ở các trung tâm thương mại, siêu thị mà còn xuất hiện tại cửa hàng bán lẻ với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng. Cuộc vận động đã từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân mỗi khi cần mua sắm cho gia đình; các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khi mua sắm, trang bị tài sản công đã ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nội địa.
Tuy vậy, công tác tuyên truyền cho cuộc vận động còn chưa thường xuyên liên tục. Trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị có lúc, có nơi chưa phát huy đầy đủ. Một số hàng hóa Việt giá thành sản phẩm còn cao, mẫu mã chưa đẹp, chất lượng chưa đảm bảo. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tư tưởng dùng hàng ngoại, xem nhẹ hàng trong nước.
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước còn nhiều khó khăn, đơn lẻ, chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, đơn vị chức năng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với việc kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa thực sự chặt chẽ và quyết liệt.
Trường Sinh