Chừng ấy thời gian công tác, bà Thú đã có những đóng góp thiết thực, góp phần tạo nên sự đổi thay của một thôn vốn nghèo nhất, nhì xã Thạch Bình, điển hình là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19 hộ (năm 2018) xuống còn 5 hộ vào cuối năm 2020.
Chúng tôi về thôn Thạch La để thăm lại gia đình anh Bùi Văn Khu, một hộ nghèo từng là nhân vật trong một bài viết cách đây không lâu. Gặp chúng tôi, anh Khu không dấu nổi niềm vui khi báo tin gia đình anh mới thoát nghèo dịp cuối năm nay. "Gia đình tôi vốn là hộ có mức sống trung bình.
Đầu năm 2018, tôi bị tai nạn lao động ngã giàn giáo. Tôi phải năm viện tới nửa năm trời, tiêu tốn trên 50 triệu đồng để đóng đinh và điều trị vết thương. Không những mất khoản tiền viện phí lớn do đi vay mượn mới có được, gia đình tôi còn bị mất lực lượng lao động chủ lực. Thế là gia đình tôi rớt xuống hộ nghèo vào cuối năm đó"- anh Khu kể.
Với hoàn cảnh quá khó khăn ở thời điểm ấy, gia đình chị Thúy, anh Khu đã được trưởng thôn Bùi Thị Thú gần gũi, động viên và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của gia đình để kiến nghị với cấp trên có hình thức hỗ trợ phù hợp.
Theo đó, chị Thúy được hỗ trợ học nghề may, bố trí việc làm trong một doanh nghiệp may mặc ở gần nhà. Đồng thời, từ "kênh" của Dự án hỗ trợ sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo theo Chương trình 135, gia đình anh Khu được hỗ trợ một con bò sinh sản để anh Khu chăn thả gần nhà, phù hợp với tình trạng sức khỏe của anh.
Ngoài ra, vào thời điểm mùa vụ, bà Thú vận động chị em trong Chi hội phụ nữ hỗ trợ ngày công lao động, giúp đỡ gia đình anh Khu thu hoạch và cấy lúa…
Với sự đùm bọc của xóm làng, cuộc sống của vợ chồng anh Khu dần ổn định. Đến cuối năm 2020, gia đình anh từ hộ nghèo đã chính thức thoát nghèo. "Tôi chính thức ra khỏi danh sách nghèo mà không phải qua "bước đệm" là cận nghèo.
Hiện nay, sức khỏe của tôi đã tốt lên nhiều, tôi xin vào làm việc tại một xưởng hàn ở gần nhà. Vừa làm việc, tôi vừa có thể quán xuyến việc nhà để vợ yên tâm làm việc ở công ty. Nếu nhận được sự hỗ trợ phù hợp và có quyết tâm cao, chắc chắn ai cũng có thể thoát nghèo như gia đình tôi"- anh Bùi Văn Khu phấn khởi nói.
Bà Bùi Thị Thú, Trưởng thôn Thạch La xúc động lắng nghe câu chuyện mà vợ chồng anh Khu chia sẻ. Bà Thú cho biết: ở Thạch La, cuộc sống của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn.
Có những thời điểm, số hộ nghèo của thôn lên đến vài chục người. Khi nhận nhiệm vụ là trưởng thôn, tôi xác định phải thực sự gần gũi với người dân, nắm chắc hoàn cảnh của mỗi gia đình. Từ đó, có những đề nghị hỗ trợ sinh kế cho phù hợp, để những chính sách, biện pháp hỗ trợ ấy thực sự là "đòn bẩy" giúp người nghèo vươn lên.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà Thú lại đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con trong thôn hăng hái thi đua lao động, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, phát triển dịch vụ… Người kinh tế khá giả tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ những người còn khó khăn về vốn, kỹ thuật và các mô hình kinh tế hiệu quả.
Qua tiếp xúc với người dân, bà Thú nắm được ý định của nhiều người muốn đi xuất khẩu lao động "chui" để mong được đổi đời. Trước thực trạng đó, bà Bùi Thị Thú đã phối hợp với các đoàn thể, đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền, phân tích về những rủi ro mà người lao động sẽ gặp phải nếu đi lao động trái phép.
Đồng thời tuyên truyền một số chính sách ưu đãi của tỉnh hỗ trợ lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. "Mưa dầm thấm lâu", nhận thức, ý thức của người dân được nâng lên, toàn thôn Thạch La không có ai đi lao động trái phép ở nước ngoài. Thay vào đó, hiện nay nhiều lao động trẻ lựa chọn con đường xuất khẩu lao động theo diện chính ngạch để làm hướng phát triển kinh tế.
Đến nay, toàn thôn Thạch La có hơn 10 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các "kênh" được cấp phép. Với nguồn thu nhập ổn định, những lao động đi xuất khẩu đã góp phần cải thiện đáng kể kinh tế cho gia đình… Với những giải pháp hiệu quả đó, công tác giảm nghèo ở Thạch La đã đạt kết quả ấn tượng. Nếu như đầu năm 2018, ở Thạch La có 19 hộ nghèo thì đến cuối năm 2020, toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, bà Thú tham mưu cho cấp ủy, Chi bộ thôn thành lập Ban soạn thảo hương ước để xây dựng hương ước của thôn. Từ khi thôn có hương ước, mọi nếp sống trong thôn đều có chuyển biến rõ rệt, các hủ tục lạc hậu đều được bãi bỏ. Nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội được toàn dân đồng tình ủng hộ. Hằng năm, nhân dân trong thôn đều đóng góp tu bổ, sửa chữa, khu di tích đình làng để không bị xuống cấp.
Đặc biệt, với cương vị trưởng thôn Thạch La, bà Thú tích cực vận động nhân dân trong thôn tập trung xây dựng nông thôn mới. Qua vận động, nhân dân đã hiến đất, hiến công và tiền của để làm đường, dỡ bỏ tường rào mở đường thông thoáng, tạo nên diện mạo khang trang hơn cho thôn Thạch La.
Bài, ảnh: Đào Hằng