Hiện đang là chính vụ thu hoạch nhưng trên những cánh đồng mía ở xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan) không khí khá ảm đạm. Nhiều cánh đồng mía quá lứa thu hoạch, lá đã chuyển màu úa, có chỗ người dân đã thu hoạch 2-3 ngày rồi nhưng vẫn chưa được nhà máy thu mua, vận chuyển đi, xếp ngổn ngang ven đường. ở một cánh đồng khác, gia đình ông Đinh Hữu Văn (ở bản Sạn) và những "phu chặt mía" đang thu hoạch. Họ lặng lẽ chặt rồi bó mía chất thành đống.
Ông Văn cho biết: Với giá mía 720.000 đồng/1 tấn, coi như chỉ đủ trả tiền nhân công thu hoạch (200.000 đồng/1 tấn), tiền bốc xếp (150.000 đồng/1 tấn), tiền phân bón, dóc lá, làm cỏ...
Cũng giống như ông Văn, vào vụ thu hoạch nhưng ông Phạm Thế Hòa (bản Sạn) chẳng mấy vui vẻ. "Mấy năm trở lại đây việc trồng mía ngày càng khó khăn. Một ha đất trồng mía đầu tư giống, công cán, chi phí các khoản dao động từ 30 đến 35 triệu đồng. Nếu được mùa thì thu hoạch được 60 tấn/ha mà mất mùa chỉ 30 đến 40 tấn/ha.
Nhiều năm trước, giá được 1 triệu đồng/1 tấn, trừ chi phí, người dân vẫn lãi khoảng 15-20 triệu đồng/ha thì 2 năm nay, giá cả èo uột, trữ lượng đường thấp, sản lượng thấp. Sau khi trừ các chi phí vật tư, công sức chăm bón, người dân coi như trắng tay, thậm chí lỗ" - ông Hòa chia sẻ.
Một nghịch lý với cây mía hiện nay là trong khi giá thu mua mía nguyên liệu giảm thì các chi phí đầu vào như phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch... lại tăng. Hiện giá thuê nhân công chặt và vận chuyển mía từ ruộng ra bãi cân từ 350- 400 nghìn đồng/tấn, tùy theo đường vận chuyển mía xa hay gần, tăng khoảng 30.000 - 50.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu vụ năm ngoái.
Theo nhiều nông dân, giá nhân công thu hoạch mía thời điểm này cao hơn mọi năm là do lực lượng lao động nông thôn hiện nay khan hiếm, phần lớn các lao động "vàng" trẻ, khỏe đã đi làm ở các công ty, xí nghiệp. Điều này đã dồn người trồng mía đến tình cảnh đã khó lại càng thêm khó.
Nhiều người dân cho biết, dù biết rõ trồng cây mía hiện nay khá bấp bênh, giá cả không ổn định, thua lỗ dễ xảy ra nhưng nếu từ bỏ loại cây này bà con chưa biết trồng cây gì. Đặc biệt với vùng đất cao, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời như ở các xã Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương, việc chuyển đổi cây trồng không phải là chuyện dễ. Hơn nữa, muốn chuyển cây trồng khác cần có nhiều vốn…
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, năm 2019 toàn tỉnh có 828 ha trồng mía, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao như: Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương, Thạch Bình… của huyện Nho Quan. Diện tích này đã giảm khoảng 100 ha so với năm 2018.
So với các tỉnh khác thì con số hơn 800 ha mía không phải là nhiều nhưng vấn đề nằm ở chỗ: đa phần những người trồng mía là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Do vậy, rất cần có những chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, Nhà nước.
Bài, ảnh: Hà Phương