Tại các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như Tâm Hằng, Đông Nhàn, Vũ Yến…, các sản phẩm tiết kiệm điện được nhập về khá nhiều. Rất dễ có thể nhận biết được đâu là sản phẩm có thêm tính năng "tiết kiệm năng lượng bởi ngoài thông tin sản phẩm, nhà sản xuất, tem chống hàng giả…, nhãn tiết kiệm năng lượng được dán tại những vị trí dễ quan sát nhất. Ông Phùng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tâm Hằng cho biết: Những sản phẩm này nở rộ trong mấy năm gần đây, có những sản phẩm như máy điều hòa của Panasonic, Daikin, Electrolac... có tính năng tiết kiệm đến 20% so với những sản phẩm thông thường. Nhãn tiết kiệm năng lượng không chỉ chứng nhận "sản phẩm tiết kiệm năng lượng" mà còn là tiêu chí đánh giá chất lượng, độ bền… Bên cạnh đó, việc dán nhãn năng lượng lên các thiết bị tiêu thụ điện năng sẽ giúp làm giảm hiệu ứng nhà kính, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu kỹ càng về việc giám sát thực hiện dán nhãn năng lượng nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ngăn chặn các hành vi làm giả mạo nhãn, đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký và thực hiện dán nhãn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp nhằm mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng.
Nhiều người tiêu dùng nhận thức đúng đắn trong việc sử dụng tiết kiệm điện là tiết kiệm cho chính gia đình mình. Chị Phạm Thị Hằng (phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình) cho biết: Ngay từ khi xây nhà, tôi đã sử dụng hàng loạt các loại bóng đèn tiết kiệm điện. Những đồ điện dân dụng, đồ điện tử, điện lạnh trong gia đình tôi cũng cố gắng mua sắm những sản phẩm có tính năng tiết kiệm năng lượng. Tôi nghĩ rằng, việc tiết kiệm điện không chỉ có ích cho gia đình mình mà còn góp phần cùng với xã hội thực hiện phong trào tiết kiệm điện năng.
Quyết định 03/2013/QĐ-TTg về thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng đã có hiệu lực trong thời gian dài nhưng thực tế rất ít người tiêu dùng cũng như những hộ kinh doanh nhỏ lẻ biết về nội dung của Quyết định. Tại các cửa hàng nhỏ, việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng hầu như chưa được thực hiện, nếu có cũng chỉ xuất hiện ở một vài sản phẩm. Đáng chú ý, dù là bắt buộc nhưng hầu hết các cửa hàng nhỏ chưa quan tâm đến quy định này. Thậm chí, một số chủ cửa hàng đồ điện còn không rõ sản phẩm nào thuộc danh mục dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Anh Nguyễn Hải, chủ cửa hàng điện dân dụng ở đường Vân Giang, thành phố Ninh Bình cho biết: "Dán nhãn tiết kiệm năng lượng là do nhà sản xuất, chúng tôi kinh doanh thì chỉ biết hết hàng thì đi nhập về bán. Cũng không có nhiều người mua hỏi đến nhãn này nên tôi cũng không để ý". Theo quan sát của phóng viên, trong phân khúc thị trường đồ điện bình dân, có một số lượng lớn các mặt hàng xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc không có thông tin sản phẩm, tem bảo hành, thường là hàng nhập lậu, trốn thuế. Vì lý do này nên sản phẩm không thể có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, khiến thị trường thêm lộn xộn.
Trái ngược với sự tích cực của các nhà sản xuất, đa số người tiêu dùng không mấy quan tâm đến nhãn tiết kiệm năng lượng. Yếu tố thu hút người mua hàng vẫn là mức giá, công dụng và chế độ bảo hành. Anh Phạm Văn Vinh (thành phố Ninh Bình) cho biết: Hầu hết các sản phẩm tiết kiệm điện hiện có giá khá cao so với mặt bằng chung của các sản phẩm cùng chủng loại, do đó người tiêu dùng phải cân nhắc giữa việc bỏ ra vài triệu để sắm sản phẩm tiết kiệm điện hay chi thêm mỗi tháng chỉ khoảng vài chục nghìn đồng. Nhiều người tiêu dùng thấy rằng khi tiền điện tăng lên vài trăm nghìn trong những tháng cao điểm là bình thường nên không quan tâm lắm đến việc sử dụng những sản phẩm tiết kiệm điện.
Ngoài ra, rất nhiều người tiêu dùng và ngay cả người bán hàng cũng không hiểu hết tính năng của sản phẩm tiết kiệm điện. Theo anh Hoàng Anh Đạt, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình: "Sản phẩm tiết kiệm năng lượng là rất tốt nhưng ngoài tiêu chí đó, tôi còn quan tâm đến độ bền và nó phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Một sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhưng độ bền không cao thì cũng không có tác dụng gì". Thực tế, quan điểm của anh Đạt bắt nguồn từ việc chưa hiểu rõ những tiêu chí về chất lượng, thông số kỹ thuật và tuổi thọ sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là tình trạng chung ở đa số người tiêu dùng bình dân hiện nay.
Có thể thấy, do sự phức tạp của thị trường, việc thực hiện quy định không đồng nhất, sản phẩm không rõ xuất xứ được lưu hành… đã khiến người tiêu dùng thờ ơ với sản phẩm "tiết kiệm năng lượng". Thiết nghĩ, nếu không sớm khắc phục những hạn chế này, chủ trương dán nhãn tiết kiệm năng lượng có thể sẽ không thể đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Nguyễn Thơm