Khảo sát giá thịt lợn thương phẩm tại một số chợ trên địa bàn thành phố Ninh Bình, như chợ Rồng, chợ Nhà máy điện, chợ phường Ninh Sơn..., thịt lợn tuy không khan hiếm, nhưng giá bán tăng không ngừng. Theo người bán, từ giữa tháng 10/2019, giá thịt lợn đã bắt đầu tăng dần và liên tục "nhảy" giá với tốc độ khá nhanh. Đến cuối tháng 11/2019, giá thịt lợn đạt cao nhất trong năm nay với giá trung bình từ 130-150/kg, tùy loại thịt. Bà Đinh Thị Tỵ, kinh doanh thịt tại chợ Nhà máy điện, phường Thanh Bình hơn chục năm nay chia sẻ, hiện thịt lợn hơi rất khó mua, tăng nhiều lần so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi, hiện giá bắt tại chuồng đã gần 70 nghìn đồng/kg, mà cũng không có sẵn lợn để lựa chọn. "Giá bán lợn thịt tại chợ cũng phải tăng theo lợn hơi, cứ vài ngày lại tăng một giá, khiến việc kinh doanh buôn bán thịt lợn hiện rất khó khăn..." - bà Tỵ chia sẻ thêm.
Chị Nguyễn Thị Hiền, phố Phú Sơn, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) than thở, thời điểm trước, nhà chị 4 người, mua 50 nghìn đồng thịt lợn có thể ăn thoải mái cho 1 bữa, nay thì phải 80 nghìn đồng mới được số thịt lợn như trước. Giá bán tất cả các loại thịt đều tăng, như mỡ khổ là 80 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 130 nghìn đồng/kg, thịt nạc mông là 140 nghìn đồng/kg, các loại sườn, sụn... cũng đều tăng từ 20-30 nghìn đồng/kg. "Giá thịt lợn tăng cao làm người tiêu dùng lo ngại, đặc biệt là những người có thu nhập thấp như công nhân chúng tôi không biết chi tiêu sao cho hợp lý. Tôi đang lo, từ nay đến Tết, không biết mức giá này sẽ thay đổi như thế nào. Trong khi ngày Tết, các món ăn chế biến từ thịt lợn chiếm đa số, với các loại giò, chả, nem, mọc... Thực sự, người nội trợ thấy lo lắng." - Chị Hiền phân trần.
Thịt lợn tươi tăng, kéo theo các mặt hàng được chế biến từ thịt lợn cũng tăng theo, như giò, chả, mọc, xúc xích, ruốc... Tiêu biểu như giò nạc, trước đây loại thường có pha trộn, giá bán từ 120-130 nghìn đồng/kg, nay tăng lên 150-170 nghìn đồng/kg, loại ngon tăng lên 200-220 nghìn đồng/kg, mà không dễ mua, phải đặt trước mới có hàng ngon. Cùng với đó, các loại mọc, ruốc, chả, nem, xúc xích... cũng đều tăng giá thêm từ 30- 50 nghìn đồng một kg so với trước đây... khiến không chỉ người tiêu dùng mà người kinh doanh, buôn bán mặt hàng này đều ái ngại.
Cũng do thịt lợn tăng giá, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thịt lợn trong chế biến đều "kêu trời", phải tính toán bằng cách tăng giá tiền hoặc cắt giảm bớt lượng thịt so với trước. Một bát bún mọc có giá 25 nghìn đồng, trước đây được 6 viên mọc, nay giảm xuống còn 4 viên. Các suất cơm sử dụng thịt lợn cũng được tăng giá hoặc giảm bớt thịt một cách rõ rệt. Nhiều chủ quán phải chuyển sang sử dụng thực phẩm khác thay thể để không mất khách khi không thể tăng giá bán...
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), biến động về giá thịt lợn không ngừng thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng, bởi đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng mấy năm trở lại đây. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, dẫn đến sản lượng thịt lợn nói chung giảm. Tại tỉnh Ninh Bình, do dịch bệnh, toàn tỉnh phải tiêu hủy trên 100 nghìn con, tương đương với hơn 6 nghìn tấn thịt lợn hơi, phần nào ảnh hưởng đến số lượng và giá cả mặt hàng thịt lợn trên địa bàn. Cùng với đó, có nguyên nhân, thông tin giá thịt lợn tại Trung Quốc đang tăng cao, các thành phố lớn trong nước cũng đang thiếu nguồn nguyên liệu thịt, dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi có tâm lý "găm hàng", để lợn nuôi với trọng lượng và số lượng lớn hơn và có giá cao hơn mới xuất chuồng...
Dự báo thời gian tới, giá thịt lợn tiếp tục tăng, nhất là khi nhu cầu của người tiêu dùng tiêu thụ tăng cao vào dịp cuối năm, với các dịch vụ cưới hỏi, giỗ chạp, tân gia, tất niên... và đặc biệt là vào dịp trước và trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thực tế đó đòi hỏi các ngành, cơ quan chuyên môn cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài để cân đối lượng cung-cầu; giám sát chặt chẽ dịch bệnh không để tái dịch; hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi tiếp tục tái đàn..., từ đó có đủ nguồn thực phẩm từ thịt lợn cung cấp cho người tiêu dùng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán cũng như lễ hội mùa Xuân.
Bài, ảnh: Hạnh Chi