Sarah Wahl mang quốc tịch Đức-Mỹ, hiện cô đang làm tình nguyện viên tại Trung tâm Cứu hộ bảo tồn rùa Cúc Phương. Cô đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2010 khi tham gia làm đề tài tốt nghiệp về sinh thái và rùa sa nhân ở rừng Quốc gia Cúc Phương bằng phương pháp rò sóng radio. Sau khi bảo vệ thành công đề tài ở Đức, như có duyên nợ, Sarah quay lại Việt Nam và cho tới giờ cô đang chuẩn bị làm dâu của một gia đình người Việt.
Mặc dù chưa nói được tiếng Việt thành thạo nhưng cô có thể nghe và hiểu được nội dung của các cuộc trao đổi, đối thoại. Vì yêu mảnh đất và con người nơi đây nên Sarah rất chịu khó tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Bạn trai cô dặn dò: muốn hiểu về văn hóa Việt trước hết phải biết đến ngày Tết cổ truyền. Nghe thế, Sarah lại càng háo hức hơn bởi nếu như ngày Tết ở bên Đức mọi người chỉ được nghỉ một ngày rồi lại tiếp tục đi làm, thực sự cũng không có gì nhiều để nói về ngày này ngoài thời khắc giao thừa thiêng liêng. Còn ở Việt Nam, trong ba ngày Tết người ta đi thăm bà con xóm làng, bạn bè thân thuộc.
Sarah vụng về nhắc lại lời dạy của mẹ chồng tương lai: "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy". Chiều muộn giao thừa là cỗ tất niên, sáng mồng một chúc tụng người trên ông bà, bố mẹ là cỗ tân niên. Tết năm ấy Sarah được dẫn đi chơi nhiều nơi, đến thăm mỗi nhà một tý, trước là lễ bàn thờ gia tiên, sau rồi chúc Tết gia chủ, nói chuyện, ăn trầu... Ai cũng vui vẻ, chứa chan hy vọng trước mùa xuân. Gặp nhau, người ta đều cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Nhưng ấn tượng nhất với Sarah lại là không khí Tết. Cô cho rằng đó là một không khí rất đặc biệt, có thể cảm nhận được bằng nhiều giác quan từ ngửi mùi hương trầm thoang thoảng, ngắm cành đào khoe sắc trong nắng xuân, đến cảm giác nghe tiếng nói, cười rộn rã của đám trẻ con quanh xóm cũng náo nức vô cùng, rồi được thưởng thức biết bao món ngon ngày Tết nữa… Ngoài ra, theo quan sát của Sarah, chợ quê ngày Tết là nơi tấp nập và rộn ràng nhất. Mọi người không chỉ đi mua sắm thực phẩm mà còn tìm mua cây đào, cây quất, hoa tươi về trang trí nhà cửa. Cô nhớ Tết năm đó còn được tham gia gói bánh chưng, năm nay cũng vậy, cô và mọi người đã chuẩn bị đầy đủ gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá dong…
Sarah chia sẻ có thể sang năm mới cô sẽ tổ chức hôn lễ theo phong tục truyền thống của người Việt vì vậy đây là cái Tết cuối cùng còn độc thân. Cô tính trong dịp nghỉ Tết sẽ dành một hai ngày về sum họp với gia đình người yêu, thời gian còn lại cô sẽ trực ở Trung tâm, cố gắng hoàn thành mọi việc giúp những đồng nghiệp người Việt Nam có thêm thời gian về nghỉ Tết với gia đình.
Cách nơi làm việc của Sarah vài bước chân là Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương mà Giám đốc của Trung tâm này cũng là một người Đức, ông Tilo Nadler.
Ông Tilo năm nay 70 tuổi, và đã ở Việt Nam tròn 20 năm và được mệnh danh là hiệp sỹ bảo vệ động vật hoang dã. Tilo và cộng sự đã biến Trung tâm cứu hộ của mình thành tổ ấm tin cậy cho 15 loài linh trưởng quý hiếm nguy cấp nhất Đông Dương. Hầu như mỗi ngày, nhân viên của Tilo và cả vợ chồng ông đều bắt đầu bằng việc vào rừng kiếm hàng chục loại lá tươi ngon về phục vụ việc ăn uống, chữa bệnh cho đàn linh trưởng. Đặc biệt mỗi lần nhận được tin vượn, voọc, khỉ, cu ly… bị xâm hại là Tilo lại vội vã lên đường. Có khi ông lái ô tô suốt từ sáng đến tối, vào Nam ra Bắc để đưa về Trung tâm một con chà vá bị thương… Nhiều người thường nhắc đến công việc của Tilo bởi một tình yêu đối với thiên nhiên và môi trường, nhưng không phải ai cũng biết đến một Tilo có tâm hồn rất Việt Nam. Chẳng thế mà ông đã cưới một cô vợ người Việt từ hơn chục năm trước. Và hẳn nhiều người cũng sẽ phải ngỡ ngàng trước những hiểu biết của Tilo về Tết Nguyên đán: Tết cổ truyền Việt Nam trước hết là tết của gia đình, họ hàng, thân tộc. Dù ai ở bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi dịp năm hết Tết đến đều tha thiết được trở về sum họp cùng gia đình. Đối với mọi người dân Việt, Tết là ngày hội đoàn tụ, đoàn viên thiêng liêng, ấm cúng.
Trải qua nhiều cái Tết ở Việt Nam, không như Sarah, ông Tilo cho rằng cái se se lạnh cộng với mưa bụi lất phất mới là đặc trưng ngày Tết, điều đó khó mà tìm được ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Ông Tilo cũng để ý thấy có một điều rất thú vị, những ngày giáp Tết ai cũng vội vã, hối hả nhưng đến sáng ngày mồng 1 mọi thứ bỗng trở nên yên bình khác lạ… Cảm giác đấy chỉ có duy nhất một lần trong năm. Ông Tilo cũng vui mừng khi thấy cái Tết ở Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều đổi thay hơn, sung túc hơn, mọi người không phải dành dụm cả năm để sắm sửa trong dịp năm hết Tết đến như xưa nữa.
Năm nay ông Tilo sẽ về gia đình nhà vợ ở Hà Nội để đón Tết, quà biếu bố vợ sẽ là một cành đào rừng, mang trọn không khí thiên nhiên đất trời của vùng rừng núi Cúc Phương…
Duy Hiền