Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê đồng chiêm nghèo, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bác Lữ đã lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường miền Nam, sau đó học Đại học Nông nghiệp. Ra trường, bác Lữ đã chọn cây chè và cây ăn quả để theo đuổi niềm đam mê của mình. Bác Lữ tâm sự: Những năm từ 1980-1990 cả nước tập trung lo lương thực giải quyết cái đói, nghề vườn bị lãng quên. Nung nấu ý nghĩ đóng góp công sức và trí tuệ cho ngành Nông nghiệp quê hương, sau khi có chính sách của Đảng, Nhà nước về bán vườn cây, gia súc của doanh nghiệp Nhà nước lâu dài cho các hộ thành viên, năm 1995, gia đình bác Lữ ra hợp tác với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương (Bộ Nông nghiệp & PTNT) và Trường Đại học Nông nghiệp I để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về tuyển chọn, trồng, nhân giống, thâm canh cây ăn quả chất lượng cao. Năm 1997, bác đã bàn với vợ cũng là kỹ sư nông nghiệp mua 2 ha đất chè thanh lý của Nông trường chè Tam Điệp. Điều này đã thỏa lòng mong ước của vợ chồng bác bấy lâu là có đất để dồn tâm lực, trí tuệ cho việc nghiện cứu khoa học. Bác đã cùng với các cộng sự trong ngành Nông nghiệp bôn ba khắp nơi để nghiên cứu, thu thập, có tập đoàn giống cây ăn quả công phu, đa phần được lấy từ "cây tổ" ở các tỉnh phía Bắc được Nhà nước công nhận. Bác đã tìm đến các cây tổ theo địa chỉ công nhận của Nhà nước, đến mùa quả tìm đến để ăn quả, rồi bằng mọi cách phải lấy được chính cành chiết hoặc mắt ghép từ cây tổ đem về tự ghép nhân giống trồng vào vườn cây ăn quả của mình. Hiện nay bác đã có trong tay một tập đoàn các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Nhãn Hương Chi, nhãn chín sớm, nhãn chín muộn, vải chín sớm, vải chín muộn, hồng Nhân Hậu, hồng Văn Lý, hồng Nho Quan, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, xoài giống GL1, GL6. Trong vườn nhà, bác dành 0,3 ha đất làm mô hình ghép nhân giống cây ăn quả và thử nghiệm cây mới.
Riêng đối với cây chè, bác Lữ đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và kéo hệ thống điện, đào giếng và máy bơm để cải tạo toàn bộ vườn, phát quang nơi mất chè mà cỏ cây bụi mọc, san ủi mặt bằng gieo cây cốt khí vào giữa hàng chè và tạo ra nhiều thiên địch. Năm đó chè không phải phun thuốc sâu mà thu hái búp đạt chất lượng cao, số lượng khá, trong khi nhiều hộ trồng chè khác mất mùa do hạn hán, dịch bệnh.
Năm 2000, bác đã đưa toàn bộ cây lâm nghiệp từ vườn ươm trồng xung quanh trang trại để chắn gió bão và tiếp tục tuyển cây ăn quả chất lượng cao. Bác đã có rất nhiều kinh nghiệm về tuyển lựa cây ăn quả giống quý từ cây tổ ở khắp nơi, ở các hội thi giống tốt, quả ngon được đưa về trồng ở trang trại để bảo tồn, lưu trữ "quỹ gen" cây đầu dòng để khai thác cành mắt ghép nhân và cung cấp giống quý chất lượng cao cho nhân dân trong và ngoài tỉnh. Những cây ăn quả không còn phù hợp được cưa đốn để ghép cải tạo thành cây chất lượng cao phù hợp với thị trường tiêu dùng. Đến nay, tập đoàn cây ăn quả có trong vườn nhà bác rất đa dạng và phong phú, đã cho quả chất lượng cao không thua kém cây khởi tổ. Mười năm nay mặc dù thị trường nhiều biến động nhưng việc sản xuất, kinh doanh cây ăn quả của gia đình bác vẫn ổn định và phát triển, người mua quả đến vườn thường là không đủ bán. Trang trại cây ăn quả của bác đã trở thành nơi nhiều người đến học tập, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật, huấn luyện nghề làm vườn, trồng cây ăn quả cho nhiều chủ trang trại. Nhiều lớp tập huấn tiến bộ kỹ thuật về trồng thâm canh, chiết, ghép về cây ăn quả theo kỹ thuật mới được mở tại đây.
Đã bước sang tuổi 60 nhưng bác Đinh Thế Lữ đã có 40 năm gắn bó với cây trồng. Bác tâm sự: Cả cuộc đời gắn bó với cây ăn quả, những thất bại và thành công đã giúp tôi xây dựng trang trại cây ăn quả của mình là nơi nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nhiều loại cây ăn quả đặc sản quý hiếm trong tỉnh. Đề tài nghiên cứu cây ăn quả của bác năm 2003, 2004 được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá xuất sắc và năm 2005 được giải sáng kiến cấp tỉnh. Đề tài "Cải tạo chất lượng - Trẻ hóa cây ăn quả thân gỗ lâu năm bằng phương pháp đốn thấp, định chồi và ghép đoạn cành nêm chéo" của bác đạt giải III Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2006-2007 và bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam năm 2008. Mỗi năm từ trang trại này, gia đình bác thu lãi hàng trăm triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 1 triệu đồng/người/tháng.
Bài, ảnh: Khánh Vân