Sinh ra và lớn lên tại vùng đất mà người người, nhà nhà làm nghề chiếu cói, chị Phạm Thị Tam cũng đã có nhiều năm theo nghề này, nhưng chỉ là làm ra các sản phẩm cói cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cói trên địa bàn. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi chồng thường xuyên ốm đau, con cái còn nhỏ. Mặc dù là người phụ nữ khéo tay, có năng khiếu để dệt ra những chiếc chiếu cói dày, đẹp, mịn, nằm rất êm và mát, được nhiều người đặt mua và làm quà biếu, nhưng chị thấy công lao động từ dệt chiếu thủ công không đảm bảo cuộc sống. Nắm bắt được nhu cầu thị trường vẫn là những sản phẩm chiếu cói gia truyền được dệt tại quê hương Kim Sơn; đồng thời tìm hiểu nhận thấy các sản phẩm chiếu cói dệt bằng tay và bằng máy không khác nhau nhiều về chất lượng và giá thành sản phẩm, nên dù điều kiện gia đình không cho phép, chị Tam vẫn mạnh dạn dùng hết số vốn tích cóp được và vay thêm người thân trong gia đình để mua 2 máy dệt chiếu với số tiền hơn 200 triệu đồng. Ban đầu, khi đưa máy móc vào sử dụng, do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra đôi lúc có lỗi, không được mịn đẹp. Trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chị Tam đã từng bước làm chủ được nghề dệt chiếu bằng máy. Đồng thời tập huấn, hướng dẫn cho nhiều chị em trong xóm cùng làm.
Đến nay, sau 4 năm hoạt động, từ 2 chiếc máy dệt chiếu ban đầu, chị Tam đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng mua thêm 5 máy dệt chiếu, cải tạo mở rộng nhà xưởng, thành lập cơ sở sản xuất chiếu cói và không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện cơ sở của chị tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 2,8-3 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một lao động làm việc tại xưởng dệt chiếu cho biết, chị tham gia dệt chiếu cói bằng máy tại cơ sở của chị Phạm Thị Tam được 4 năm nay. Ban đầu chị được chủ cơ sở hướng dẫn, sau đó dần dần tự làm và rút kinh nghiệm, đảm bảo các sản phẩm dệt ra không mắc lỗi, không bị trả lại. Vừa làm nghề nông, thời gian nông nhàn chị tham gia dệt chiếu, mỗi tháng cũng cho thu nhập 3 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống và chi tiêu trong gia đình.
Hiện nay, với 7 máy dệt chiếu, trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất được hơn 2.700 chiếc chiếu cói, trừ các khoản chi phí, thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương. Đặc biệt, nhờ năng động, sáng tạo, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và thường xuyên cải tiến mẫu mã, những lá chiếu do cơ sở của chị Tam sản xuất được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Không dừng lại ở đó, năm 2014, chị Tam còn năng động tìm hiểu thị trường và ký được hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc và Hàn Quốc với số lượng hàng nghìn sản phẩm. Đây là niềm vui, động lực giúp chị Tam và những chị em lao động tại cơ sở yên tâm sản xuất và gắn bó với nghề dệt chiếu cói.
Chị Nguyễn Thị Mừng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Thành cho biết: Từ một phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Phạm Thị Tam đã vượt khó vươn lên, không chỉ làm giàu cho gia đình mình, mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ trong xóm, trong xã. BCH Hội phụ nữ xã, với trách nhiệm của mình đã đề nghị các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện về vốn, mặt bằng để chị Tam mở rộng quy mô sản xuất, góp phần gìn giữ và phát triển nghề dệt chiếu tại địa phương. Chị Phạm Thị Tam xứng đáng là tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu.
Bài, ảnh: Hạnh Chi