Xây dựng gia đình khi vừa tròn 20 tuổi, hoàn cảnh nhà nông nghèo khó, vất vả, gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và chăn nuôi thêm lợn, gà … cũng chỉ tạm đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Không hài lòng với cuộc sống hiện tại, chị bàn với chồng quyết tâm thay đổi cuộc sống gia đình. Ban đầu chị đã tìm tòi các mô hình hay, các gương điển hình làm kinh tế giỏi trên sách, báo để đọc, để tham khảo và học hỏi thêm các biện pháp áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Đang loay hoay không biết chọn hướng đi nào cho đúng thì xem trên tivi thấy có mô hình trồng nấm cho hiệu quả cao, vốn đầu tư ít và rất phù hợp với điều kiện phát triển ở địa phương bởi có thể tận dụng được những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có của nhà nông như: rơm rạ, mùn cưa..., chị Thúy đã bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn bắt tay vào trồng các loại nấm và mộc nhĩ. Để có thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc trồng nấm, chị đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi do Hội phụ nữ xã phối hợp tổ chức.
Ban đầu chưa có kinh nghiệm, vốn ít, chị chỉ đầu tư trồng gần 7.000 bịch nấm trên diện tích khoảng 500m2. Thời gian đầu, nấm bị hư hỏng, thiệt hại khá nhiều nhưng chị Thúy vẫn không nản chí, quyết tâm phát triển nghề trồng nấm. Được HTX Nấm Gia Tường cho đi tham quan học hỏi tại các cơ sở trồng nấm trong và ngoài tỉnh, chị đã hiểu hơn về nghề trồng nấm. Sau thời gian thử nghiệm, chị Thúy quyết định vay vốn từ Hội phụ nữ xã với số tiền 30 triệu đồng và nguồn vốn tích lũy của gia đình để đầu tư xây dựng trang trại trồng nấm với 1.500 vạn bịch nấm sò, 1.000 bịch mộc nhĩ trên diện tích 1.500m2. Với chu kỳ 3 tháng từ khi đóng bịch và sấy, ủ bịch cho đến khi được thu hái liên tục một năm gia đình chị xuất khoảng 10 tấn nấm sò và 1 tấn mộc nhĩ và khoảng 500 - 1.000 bịch phôi nấm cho thị trường. Với giá bán hiện tại, mộc nhĩ khô có giá 100 nghìn/kg, nấm sò có giá từ 25-30 nghìn đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí đầu tư, gia đình chị thu lãi gần 200 triệu đồng.
Đặc biệt, với kinh nghiệm trồng nấm, chị Thúy luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em trong Hội Phụ nữ xã. Hiện nay, cơ sở của gia đình chị còn tạo việc làm cho 7-10 lao động địa phương lúc thời vụ. Không những phát triển kinh tế gia đình, chị Thúy luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động quyên góp ủng hộ của Hội, các cuộc vận động do địa phương phát động.
Phúc Nguyên