Căn nhà nhỏ của gia đình ông Diệm treo nhiều bằng khen, giấy khen vinh danh ông. Có Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Trò chuyện với chúng tôi, ông Diệm cho biết: Tính đến đời các con của tôi, gia đình đã 4 đời làm ngư dân. Từ bé, trong ký ức của tôi đã gắn liền với những chuyến đi biển dài ngày của bố. Mỗi lần bố về mang rất nhiều cá, tôi lớn lên bằng chính những con cá, con tôm ấy.
Sớm rời xa mái trường, ông Diệm theo bố rong ruổi trong những chuyến ra khơi. Cái nắng, cái gió và vị mặn của biển như ngấm dần vào từng mạch máu trong con người ông.
Cũng kể từ ngày đó, ông bắt đầu "tình yêu" với biển. Ban đầu là vì kiếm kế sinh nhai trong hoàn cảnh gia đình khốn khó, lâu dần thành nỗi nhớ, niềm thương.
Ông kể: Tuổi thơ của tôi gắn liền với những con sóng ngoài khơi và cũng chính trên mặt biển, tôi dần trưởng thành. Lập gia đình, sinh con đẻ cái, gánh nặng về kinh tế càng đè nặng.
Với trách nhiệm của một người chồng, người cha những chuyến đi đánh bắt hải sản là nguồn sống duy nhất của cả gia đình tôi lúc bấy giờ. Vợ chồng tôi chắt chiu để nuôi dạy các con, cho chúng ăn học, vì biết đời cha ông chúng đã đủ khổ rồi.
Dường như cái duyên, cái nợ với biển vẫn đeo đẳng theo gia đình ông. Khi người con cả và người con thứ hai trưởng thành, 3 bố con ông Diệm đi từ Bắc đến Nam làm thuê trên những chiếc thuyền đánh bắt xa bờ cho nhiều ông chủ khác nhau.
Kể đến đây, ông nghẹn ngào: Đời tôi đã khổ cực, bấy giờ nhìn thấy các con mình nai lưng làm thuê cho họ, tôi cảm thấy nhói đau... vì thương. Cũng chính vì niềm đau ấy, ông nung nấu ý chí làm giàu.
Ông nói với các con: Người ta làm được thì mình cũng làm được, bố con ta không thể cả đời làm thuê cho người khác được. Tự mình phải là người làm thuê cho chính mình, phải sở hữu một cặp tàu đánh bắt hải sản. Năm 2007, sau những năm tháng làm thuê, ông tích lũy được ít vốn.
Ông Diệm bàn với các con, góp tiền để mua tàu. Chạy vạy vay tiền khắp nơi, cuối cùng ước nguyện của bố con ông cũng trở thành sự thực. Một cặp tàu 320 mã lực trở thành chỗ dựa cho đại gia đình ông Diệm.
Để có tiền mua tàu, ông đã từng mượn sổ đỏ nhà đất của cả... thông gia để vay vốn ngân hàng. Ai trong xóm cũng bảo vợ chồng ông liều "hết thuốc chữa".
Những chuyến đi đầu tiên trên chính cặp tàu của mình là những ngày tháng vui sướng nhất đối với bố con ông. Ông và các con gửi gắm vào cặp tàu rất nhiều niềm hy vọng, hy vọng làm giàu và biển sẽ không phụ tình cảm của ông.
Nhờ chăm chỉ làm việc, chỉ sau 2 năm, bố con ông đã trả hết các khoản nợ. Những mẻ cá lớn được tiêu thụ trên khắp những địa phương cặp tàu đi qua, từ Hải Phòng cho đến Quảng Ngãi. Nhu cầu đánh bắt xa bờ với công suất lớn đòi hỏi cặp tàu của bố con ông phải nhanh hơn, khỏe hơn.
Ông không ngần ngại đầu tư, cải tiến cặp tàu lên 450 mã lực. Hàng năm, gần 40 chuyến đi biển đem về nguồn lợi từ 200 - 300 triệu đồng đã giúp gia đình ông ổn định kinh tế, đồng thời tạo được việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.
Do tuổi tác, những chuyến đi biển của ông cũng ít dần, ông đem những thành quả từ biển chế biến thành thứ nước mắm cốt với vị mặn đậm đà nguyên chất, đặc trưng của biển, để làm thứ quà biếu bạn bè xa gần.
Chia tay ông Diệm, chúng tôi vẫn nhớ như in câu nói từ sâu thẳm trái tim ông: Dù đã ngoài 60, nhưng những ngày mùa hè nóng bức, tôi lại đến với biển. Để mơn man những làn gió hay đắm mình trong tiếng ru của sóng biển rì rào.
Thái Học