Chúng tôi từng gặp anh Bùi Văn Thoại (xã Thạch Bình, huyện Nho Quan) khi anh là nhân vật trong bài viết "Lao động xuất khẩu chui, vỡ mộng làm giàu". Và nay, chúng tôi lại tìm tới anh với một vai trò khác, một người thợ đào giếng. Lịch hẹn của chúng tôi với anh Thoại phải thay đổi liên tục và phải chờ đến tận mùa mưa, khi mà công việc đào giếng phải tạm ngưng thì mới thực hiện được. Gần 1 tháng mưa ròng, anh Thoại và tốp thợ phải ngừng công việc quen thuộc. "Chẳng phải lo nặng mưu sinh đâu, song không làm lại thấy buồn, thấy nhớ cái công việc nặng nề mà chẳng nhiều người muốn làm ấy"- anh Thoại nói nhẹ sau khi khoan khoái rít một điếu thuốc lào.
Năm nay anh Thoại mới ngoài 30 tuổi, nhưng trông anh khá già dặn, dáng người nhỏ thó, nhưng rắn rỏi và nhanh nhẹn. Anh cũng là người có thâm niên đào giếng ở xã Thạch Bình. Anh Thoại bảo, Thạch Bình là vùng đất cằn, bởi thế mà từ xưa, ở Thạch Bình nhà ai cũng có một chiếc giếng để lấy nước sinh hoạt.Thường thì những người đàn ông trong xóm tự giúp nhau đào giếng chứ chẳng ai lấy công. Hồi đó, họ phải mua và tự chế một bộ dụng cụ riêng. Sau đó, hàng xóm, người quen muốn đào giếng thường hỏi mượn dụng cụ và mượn luôn người. Sau khi hoàn tất một công trình, chủ nhà thường khoản đãi người đào giếng bằng bữa cơm thịnh soạn với đầy đủ rượu, thịt. Bữa cơm nhà quê đầm ấm, rộn ràng câu chuyện đời, chuyện người mà chẳng đặt nặng vấn đề tiền công. Thế rồi theo thời gian, cũng chẳng mấy ai nhờ thợ đào giếng nữa mà bắt đầu có người hỏi thuê thợ. Những tốp thợ nho nhỏ chuyên đào giếng cũng dần hình thành từ đó. Mà đã gọi là đi làm thuê thì phải làm cho "đến nơi đến chốn", hay nói như người thôn quê thì phải làm cho "ra hồn". Vậy là những tốp thợ này phải trang bị thêm nhiều dụng cụ tiện dụng khác, chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, mặc dù ở nhiều địa phương đã có hệ thống nước sạch, song nguồn nước giếng khơi thì vẫn không thể thiếu. Không chỉ đào giếng sinh hoạt, nhiều người dân ở các vùng đất cằn giống như Thạch Bình còn đào những giếng nhỏ để phục vụ việc tưới tiêu vườn hoặc chân ruộng cao. Bởi vậy, những người làm nghề đào giếng chưa bao giờ hết việc.
Tài sản khởi nghiệp của một thợ đào giếng rất đơn giản, chẳng cần vốn liếng gì. Đó chỉ là dây, xà beng, cuốc, thuổng, tời cùng mấy khuông đúc bi. Ban đầu, anh Thoại đào giếng quanh làng. Ai có nhu cầu liên hệ với anh, anh đều sẵn sàng. Không làm công việc đó được một mình, anh Thoại kết hợp với một vài thanh niên trẻ, khỏe khác thành một đội. Trong công việc, anh là người có trách nhiệm và uy tín nên được khách hàng tin cậy. Thu nhập từ nghề đào giếng cũng khá. Theo anh Thoại, một giếng nước bình thường chỉ sâu chừng 8m, nhưng cũng có những giếng phải đào sâu hơn mới đụng mạch nước ngầm. Nếu thuận lợi, một giếng nước 8m chỉ cần 3 người đào có thể xong trong một ngày. Mức giá cho một ngày đào là 500 nghìn đồng/m giếng. Một ngày làm việc cật lực, mỗi người thợ cũng kiếm được ngót nghét triệu đồng. Với người dân ở miền đất khó như Thạch Bình, khoản thu nhập này cũng rất có ý nghĩa. "Tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi như vậy. Gặp giếng khó, đào không có nước hoặc gặp phải đá bàn phải bỏ dở, chủ chỉ trả cho phân nửa. Âu cũng là sự sòng phẳng…chưa kể, nếu nói về sự cơ cực và nguy hiểm thì có lẽ cũng ít nghề nào "sánh" được với nghề đào giếng."- anh Thoại nói.
Cũng theo lời anh Thoại, khi đào giếng xuống độ sâu chừng 10m, người thợ buộc phải có biện pháp bảo vệ mình. Nếu không cẩn thận và có kiến thức, người ở dưới giếng sẽ gặp nguy hiểm do thiếu oxy. Bởi vậy, không đơn thuần chỉ cần có sức khỏe, dẻo dai mà với mỗi người thợ đào giếng, kinh nghiệm và sự hiểu biết chính là yếu tố đầu tiên để có thể tồn tại được với nghề. Theo kinh nghiệm của thợ giếng, khi dùng đèn thắp sáng thả xuống đáy giếng, nếu đèn bị tắt, nghĩa là dưới giếng thiếu oxy. Trong trường hợp này, người thợ phải xử lý theo cách bẻ lá cây tươi cột vào dây thả xuống, kéo lên liên tục, mục đích cho lá cây nhả khí. Đồng thời, phải che miệng giếng, dùng quạt quạt mạnh đẩy không khí xuống giếng. Nơi nào có điện, cột dây đưa quạt máy xuống.Chưa hết, khi xuống giếng, người thợ đào sợ nhất là người quay tời bên trên, nếu sơ suất có thể để đất đá rơi xuống. Chỉ một viên đá nhỏ từ trên thành giếng rơi xuống trúng đầu cũng có thể bị thương nặng. Không những thế, "cứ mỗi lần đu dây lên xuống giếng sâu, không may bị đứt dây rơi xuống thì chỉ có mất mạng, ít cũng tàn phế"- anh Thoại cho biết.
Tuy có nhiều nguy hiểm tiềm ẩn đối với nghề đào giếng song nhờ vào dụng cụ tốt, chuẩn bị chu đáo, khâu kiểm tra liên tục nên đối với thợ giếng chuyên nghiệp tai nạn xảy ra cũng rất hi hữu. Đào giếng, một công việc vất vả và nguy hiểm, thu nhập tuy cũng khá nhưng việc làm chủ yếu chỉ tập trung vào mấy tháng mùa khô. Thực tế thì chẳng có ai giàu lên từ nghề đào giếng cả, nhưng nghề vẫn tồn tại bền bỉ cho đến tận bây giờ. Không chỉ đem nguồn nước đến với mỗi gia đình, những người thợ đào giếng còn góp phần lưu giữ "hồn quê" cho mỗi ngôi làng Việt bằng chính sự cần mẫn, âm thầm của mình.
Bài, ảnh: Đào Hằng