Sinh năm 1959 ở Giao Thủy (Nam Định), từ nhỏ Phạm Văn Xuyên đã có sự say mê, yêu thích với các bộ môn khoa học liên quan đến việc đo đạc địa chất, gió mưa... Vì vậy, học xong THPT, ông quyết định theo học tại Trường Trung cấp Khí tượng - Thủy Văn. Tốt nghiệp, ông được điều chuyển vào công tác ở tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Rồi "cái duyên" đưa đẩy, ông lại được trở về quê hương phục vụ và gắn bó với Ninh Bình đến nay vừa tròn 15 năm. Trong suốt những năm công tác tại Ninh Bình, sông Đáy và sông Hoàng Long luôn là chủ thể thôi thúc ông không ngừng nghiên cứu, tìm tòi nhằm đưa ra những phương án dự báo chuẩn xác về mực nước lũ, sự xâm nhập mặn của nước biển vào cửa sông..., giúp dân khai thác nguồn lợi thủy sản cũng như chủ động trong phòng, chống thiên tai. Năm 2002, ký sư Phạm Văn Xuyên lại được đề bạt làm Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Ninh Bình. Cũng từ đây, ông có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn về các đề tài ấp ủ bấy lâu..."
Thói quen đọc sách, nghiên cứu khoa học và lưu trữ thông tin đã giúp người kỹ sư này có nhiều đề tài, sáng kiến trong công việc, đặc biệt là những đề tài liên quan đến sông Đáy, sông Hoàng Long. Năm 2002, Phạm Văn Xuyên được nhiều người biết đến với đề tài khoa học "Phương án dự báo đỉnh triều trên sông Đáy tại Như Tân". Đây là đề tài giúp cho việc lấy nước dựa vào thủy triều của nhân dân ven sông Đáy được chủ động, dễ dàng. Cũng trong năm 2002, đề tài "Phương án dự báo quy trình lũ trên sông Hoàng Long tại bến Đế", kỹ sư Phạm Văn Xuyên đã được đồng nghiệp và Trung tâm Khí tượng - thủy văn quốc gia đánh giá cao. Và năm 2007, với "Nghiên cứu xây dựng phương án dự báo độ mặn cửa sông Đáy tại Như Tân" do ông làm chủ đề tài đã vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao bằng "Lao động sáng tạo".
Để có được tấm bằng "Lao động sáng tạo" danh giá đó, ông và nhiều đồng nghiệp đã phải mất khá nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Bởi sự xâm nhập mặn ở ngoài biển vào vùng cửa sông tại Như Tân (Kim Sơn) đã gây khó khăn cho việc sử dụng nguồn nước sông, đặc biệt là việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời làm tăng khả năng lắng chìm của cát bùn, dẫn đến sự thay đổi luồng lạch, hạn chế khả năng thoát lũ cũng như giao thông vận tải trên sông. Trước thực tế đó, Trung tâm Khí tượng - thủy văn tỉnh đã lập phương án dự báo xâm nhập mặn theo phương pháp "hồi quy tuyến tính". Phương pháp này rất thủ công, có nhiều hạn chế: mất nhiều thời gian đo đạc, tính toán và sai số dự báo thường lớn (cao hơn sai số cho phép từ 20 - 40%). Mặt khác, phương pháp này chưa đưa ra được quá trình xâm nhập mặn và quy luật hoạt động của độ mặn theo thời gian, không gian… Sau gần 1 năm mày mò, nghiên cứu, cuối cùng kỹ sư Phạm Văn Xuyên và các đồng nghiệp tại Trung tâm Khí tượng - thủy văn tỉnh đã tìm ra được phương pháp tối ưu cho phương án dự báo xâm nhập mặn của nước biển bằng phương pháp "hồi quy nhiều biến". Kết quả cho thấy, chất lượng các bản tin dự báo chuẩn xác từ 95 - 98%. Từ đó giúp cho tỉnh dự báo độ xâm nhập mặn của biển vào sông hàng ngày cho từng tháng vào mùa cạn trong năm (từ tháng 1 đến tháng 4 và tháng 12), phục vụ đắc lực cho việc lấy nước làm đất, đổ ải gieo trồng vụ đông xuân và tưới cho cây vụ đông ở Kim Sơn một cách chủ động. Ngoài ra, đề tài "Nghiên cứu xây dựng phương án dự báo độ mặn cửa sông Đáy tại Như Tân" đã xây dựng được các công thức tính toán, dự báo cụ thể, giúp cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, khai thác thủy sản… có thể áp dụng một cách dễ dàng...
27 năm trong nghề, kỹ sư Phạm Văn Xuyên luôn là người làm việc cần mẫn và sáng tạo, được bạn bè, đồng nghiệp tin yêu, quý trọng. Nhiều năm liền ông đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được Tổng cục Khí tượng - Thủy văn; Bộ Tài nguyên & Môi trường; Công đoàn Viên chức Việt Nam tặng bằng khen.
Đinh Ngọc