Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nhất là trong việc tìm kiếm và duy trì việc làm. Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách, ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, tuy nhiên trên thực tế, đối tượng này vẫn rất khó tiếp cận cơ hội việc làm bởi còn quá nhiều rào cản…
Người khuyết tật chật vật mưu sinh
Bị khuyết tật bẩm sinh, chị Đinh Thị Làn, ở xã Khánh Lợi (huyện Yên Khánh) gặp nhiều khó khăn trong đi lại. Dẫu vậy, trước áp lực mưu sinh, mặc cho cái lạnh đến "cắt da thịt", chị Làn và các thành viên trong HTX Phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh vẫn vượt chặng đường xa, đưa mặt hàng là chổi đót lên thành phố bán ở khu vực chợ Rồng.
"Địa điểm bán hàng này là do một người hảo tâm giúp đỡ. Chúng em bố trí 2 buổi mỗi tuần lên đây để giới thiệu hàng, tìm kiếm những khách hàng mới. Khi quen khách rồi, chúng em có thể gửi hàng mà không cần phải đích thân đi bán nữa. Tuy vậy, việc bán hàng cũng rất khó khăn, lượng người đến mua chổi vẫn rất ít. Có khi, cả buổi sáng chưa bán được cái nào"- Chị Làn than thở.
Giới thiệu cho chúng tôi về những sản phẩm được bày bán, chị Làn cho biết, làm chổi là một trong những hoạt động chính của HTX phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh. Tùy chất lượng, các sản phẩm có giá từ 25-40 ngàn đồng. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng các thành viên trong HTX đều động viên nhau vượt khó, tự tìm đến giới thiệu sản phẩm cho các trường học, cơ quan, đơn vị… để tìm kiếm khách hàng mua số lượng ổn định.
Chị Nguyễn Thị Huyền, một tiểu thương tại chợ Rồng cho rằng, đối với những người khỏe mạnh, việc mưu sinh đã rất khó khăn, nhất là trong một năm bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19. Nhưng đối với chị em khuyết tật, nỗi nhọc nhằn này còn tăng lên gấp bội. Chúng tôi cũng hỗ trợ chị em khuyết tật để chị em bán được hàng như: Cho mượn vị trí bán hàng, giới thiệu khách đến mua hàng… và khi lượng hàng tiêu thụ ổn định, nhiều người biết đến hơn thì tôi sẽ bán giúp cho họ tại gian hàng của mình.
Sự hỗ trợ thiết thực ấy đã trở thành động lực để chị em khuyết tật vươn lên. Chị Phạm Thị Hà, Chủ nhiệm HTX phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh cho biết: Trước đây, chúng tôi đã thử sức với những nghề mỹ nghệ như làm chiếu gỗ, đệm ghế, mũ giấy… đòi hỏi độ tinh xảo, khéo léo cao. Mặc dù tay nghề của người khuyết tật hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, tuy nhiên khó khăn lớn nhất đó là phát triển, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Để tạo việc làm, tạo thu nhập cho các thành viên trong HTX, chúng tôi đã chuyển đổi sang một công việc khác, đó là làm chổi và dịch vụ tẩm quất. Sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, song áp lực mưu sinh sẽ là động lực để chúng tôi vươn lên.
Hiện nay, HTX có hơn 10 thành viên. Mỗi người bị một dạng khuyết tật khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung ở họ, là đã vượt qua được sự mặc cảm với khiếm khuyết của cơ thể, mạnh mẽ với khát vọng vươn lên hòa nhập cộng đồng, tự nuôi sống được bản thân mà không phải lệ thuộc vào gia đình. Tuy nhiên, để thành công, nếu chỉ có nghị lực của người khuyết tật thì chưa đủ. Họ cần nhiều hơn thế.
Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh cho biết, những năm qua, Hội cũng rất quan tâm đến hoạt động đào tạo nghề cho người khuyết tật. Những nghề được lựa chọn đều phù hợp với các dạng khuyết tật, như làm tranh giấy, chiếu gỗ, mành tre nứa, hoa giả… và dạy cho người khuyết tật dưới các hình thức phù hợp, như dạy tập trung hoặc tổ chức dạy nghề tại cộng đồng…
Thậm chí, với sự năng động, người khuyết tật có thể mở rộng cơ sở để thu hút thêm nhiều người lao động cùng tham gia làm nghề. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 40 mô hình tự tạo việc làm của người khuyết tật. Những mô hình này không những giải quyết việc làm cho người đồng cảnh mà còn là cơ hội việc làm cho các thành viên trong gia đình, lao động địa phương.
Tuy nhiên, các mô hình tự tạo của người khuyết tật còn có một khó khăn chung trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm do khâu tiếp thị, quảng bá còn hạn chế; kỹ năng quản lý tài chính còn có hạn... do đó việc kinh doanh chưa đạt hiệu quả tương xứng.
Anh Trần Ngọc Hòe gặp khó khăn trong việc đưa tranh quilling ra thị trường. Ảnh: MQ
Anh Trần Ngọc Hòe, ở xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) là người khuyết tật đầu tiên đưa tranh quilling về tỉnh Ninh Bình vào năm 2019, với mong muốn được giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước loại hình tranh giấy độc đáo và đặc biệt là với khát vọng tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật quê nhà. Trong hành trình này, anh Hòe có sự ủng hộ của gia đình và tham gia tích cực của 2 người bạn cùng cảnh ngộ khác.
Tuy nhiên, hiện nay, công việc của anh Hòe gặp nhiều khó khăn vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. "Sản phẩm của tôi chủ yếu bán cho khách du lịch. Do phụ thuộc vào khách hàng, nên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khách du lịch ít, sản phẩm của tôi hầu như không tiêu thụ được. Bao nhiêu vốn tôi đổ cả vào làm tranh, giờ tranh không tiêu thụ được, nên cuộc sống thực sự khó khăn. Để mưu sinh, tôi đành nhận hàng gia công về làm thuê. Tuy vậy, lượng hàng này cũng không nhiều để tôi có thể duy trì được việc làm lâu hơn"- anh Hòe than thở.
Chị Phạm Thị Hà, Chủ nhiệm HTX phụ nữ Khuyết tật Ước vọng xanh bày tỏ: Chúng tôi không nề hà bất cứ khó khăn nào, miễn là tạo được cơ hội việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế hoạt động còn bộc lộ nhiều hạn chế mà người khuyết tật mong mỏi nhận được sự hỗ trợ từ các ngành chức năng và cộng đồng.
"Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý tài chính và tìm kiếm các đơn vị bao tiêu đầu ra cho sản phẩm… Có như vậy, nghị lực vươn lên của người khuyết tật mới "đơm hoa, kết trái", giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.