Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ một số thông tin về tình hình NKT tại tỉnh ta hiện nay?
Ông Phạm Hữu Chính: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 26 nghìn người khuyết tật, chiếm tỷ lệ khoảng 3,1% dân số. Nguyên nhân dẫn đến tàn tật thì có nhiều, như hậu quả của chiến tranh để lại, tàn tật do bẩm sinh và các loại khác như tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Trong đó, có hai dạng tật chiếm tỷ lệ cao nhất, đó là khuyết tật về hệ vận động và khuyết tật liên quan đến hệ thần kinh, trí tuệ. Từ nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, NKT trong tỉnh từng bước được thụ hưởng những chính sách ưu đãi, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống… Tuy nhiên, hiện nay, đa số NKT vẫn phải sống dựa vào gia đình, người thân. Bản thân NKT trong những năm qua đã có sự chuyển biến rất tích cực về nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với cuộc sống của bản thân. Họ có nguyện vọng, mong muốn được bảo vệ, chăm sóc và hỗ trợ các dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc… để phục vụ cho việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày, để có thêm cơ hội lao động và tự phục vụ bản thân, giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình.
PV: Những năm qua, Hội NKT tỉnh đã có những hoạt động cụ thể nào để chăm lo, hỗ trợ cho hội viên, thưa ông?
Ông Phạm Hữu Chính: Hội NKT tỉnh Ninh Bình được thành lập từ năm 2007. Những năm qua, Hội đã thực hiện cơ bản các chức năng của một tổ chức xã hội, đó là tư vấn, phản biện và giám sát các vấn đề liên quan đến NKT; hỗ trợ cải thiện đời sống, an sinh xã hội và nâng cao vị thế, tăng cường hòa nhập NKT vào các hoạt động xã hội; đại diện phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cộng đồng NKT đến các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT… Hội NKT tỉnh đã phát triển mạng lưới hội tại 5/8 huyện, thành phố trong tỉnh. Ngoài ra, còn thành lập các CLB Thanh niên khuyết tật, CLB phụ nữ khuyết tật, CLB người điếc… và 3 Trung tâm hỗ trợ kỹ năng cho NKT gồm: Trung tâm hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc; Trung tâm hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho NKT và trẻ bại não; Chi nhánh hỗ trợ giáo dục đặc biệt… Qua đó cơ bản đáp ứng nhu cầu tham gia hoạt động của NKT.
Hàng năm, Hội NKT tỉnh đều tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ Hội NKT các cấp. Đến nay, hầu hết số cán bộ lãnh đạo trong BCH tỉnh hội, huyện hội đã được trang bị kiến thức về tổ chức hội, cách thức hoạt động hội, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và đã nắm được các chủ trương, chính sách liên quan đến NKT, qua đó vận dụng, áp dụng trong hoạt động xây dựng, phát triển hội ngày càng tốt hơn. Các hội thành viên luôn nỗ lực trong công tác vận động, tạo điều kiện chăm sóc, trợ giúp NKT.
Trong những ngày lễ, Tết, Ngày NKT Việt Nam… hàng năm, Hội NKT tỉnh và các cấp hội thành viên đã vận động, phối hợp với địa phương vận động nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ, tặng quà (như tiền mặt, gạo, các vật phẩm khác...) để thăm hỏi NKT có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Tính trong giai đoạn 2017-2022, Hội NKT tỉnh Ninh Bình cùng các hội thành viên đã phối hợp với các nhà hảo tâm vận động tặng xe lăn, xe lắc, xe quay tay; tặng nẹp, chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ thuốc, điều trị phục hồi chức năng... cho NKT, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn thành lập các đội văn nghệ thường xuyên tham gia giao lưu với các Hội NKT trong tỉnh và các tỉnh trên toàn quốc, qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho NKT…
PV: Theo ông, NKT gặp khó khăn gì trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình để đảm bảo cuộc sống?
Ông Phạm Hữu Chính: NKT là một bộ phận những người phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những người bình thường khác. Những khiếm khuyết trên cơ thể đã ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến khả năng tư duy, hoạt động, sinh hoạt hàng ngày, gây nên những khó khăn nhất định trong cuộc sống… Những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh và cộng đồng đã luôn quan tâm, hỗ trợ NKT bằng các chính sách rất thiết thực. Có thể thấy, những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, những món quà ý nghĩa đến từ sự chung tay của cộng đồng trong thời gian qua đã thực sự là "lực đẩy" để giúp NKT có thêm nguồn lực, động lực để vươn lên. Tuy vậy, để có thể chủ động được trong cuộc sống thì NKT rất cần có việc làm để tự tạo thu nhập. Chỉ khi có việc làm phù hợp, đảm bảo được mức thu nhập ổn định thì họ mới giảm dần sự phụ thuộc vào gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề tạo việc làm cho NKT vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, tỉ lệ NKT tìm được việc làm trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn rất thấp. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn e ngại nhận người khuyết tật vào làm do phần lớn người khuyết tật có trình độ văn hóa thấp, gặp rất nhiều khó khăn trong di chuyển, giao tiếp, chưa tiếp cận được với các trang thiết bị nơi làm việc… sẽ cần sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn so với lao động bình thường, nên NKT gặp khó trong quá trình tìm kiếm việc làm.
PV: Ông có cho rằng, trong khi còn quá nhiều khó khăn để NKT tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, thì việc hỗ trợ NKT lựa chọn nghề phù hợp để học, sau đó tự tạo việc làm cho bản thân được xem là hướng đi hiệu quả, cần nhân rộng?
Ông Phạm Hữu Chính: Đúng vậy, hỗ trợ NKT học nghề phù hợp để có thể mưu sinh dài lâu là một giải pháp hiệu quả nhất ở thời điểm hiện nay nhằm tạo sinh kế cho NKT. Có việc làm, có thu nhập thì NKT mới tự tin để tạo dựng những gì tốt đẹp hơn cho bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Với ý nghĩa đó, mặc dù còn những khó khăn nhất định, song những năm qua, Hội NKT tỉnh luôn quan tâm, chú trọng tới công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên. Hội NKT tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, với các doanh nghiệp lựa chọn và đưa vào dạy những nghề phù hợp với các dạng khuyết tật như: làm chiếu gỗ, đệm ghế, mũ giấy, mành tre nứa, hoa giả… Việc dạy nghề được tổ chức linh hoạt, phù hợp như dạy tập trung hoặc xen kẹp tại cộng đồng... Qua đó, số hội viên được học nghề và duy trì việc làm cũng tăng lên với mức thu nhập trung bình đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Thậm chí, với sự năng động, người khuyết tật có thể mở rộng cơ sở để thu hút thêm nhiều người lao động cùng tham gia.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 40 mô hình tự tạo việc làm của người khuyết tật. Những mô hình này không những giải quyết việc làm cho người đồng cảnh mà còn là cơ hội việc làm cho các thành viên trong gia đình, lao động địa phương. Trong thời gian tới, để có thêm nhiều hội viên được học nghề, tạo việc làm, Hội NKT tỉnh rất mong được hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp dạy nghề cho NKT; được hỗ trợ trong việc lựa chọn để đưa về những nghề phù hợp, đa dạng hơn nữa.
Đặc biệt, một khó khăn chung hiện nay là các mô hình tự tạo của NKT là khó về đầu ra cho sản phẩm do khâu tiếp thị, quảng bá còn hạn chế; kỹ năng quản lý tài chính còn có hạn... Vì vậy, cùng với nỗ lực vươn lên của bản thân, NKT rất mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất; được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý tài chính và được các đơn vị bao tiêu đầu ra cho sản phẩm… Có như vậy, nghị lực vươn lên của người khuyết tật mới "đơm hoa, kết trái", giảm bớt được gánh nặng cho gia đình và xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đào Hằng (thực hiện)