Trong ngôi nhà nhỏ, những tấm huy chương (huy chương Vàng, huy chương Bạc tại liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2013, 2016), giấy chứng nhận đạt giải A, B tại các kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, cấp quốc gia, giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh, huyện giành cho bà và CLB hát xẩm Kim Ngân được treo trang trọng. Pha trà mời khách, bà Kim Ngân cười tươi: Đó là thành quả từ niềm đam mê hát xẩm của không chỉ riêng tôi mà còn là sự đóng góp tâm sức của các thành viên trong CLB. Cũng theo bà Ngân "duyên" gắn bó với hát xẩm của bà bắt nguồn từ việc tình cờ gặp và quen thân với chị Nguyễn Thị Mận- con gái cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Vốn là người rất "say" với những làn điệu xẩm nên khi được nghe cụ Cầu hát, bà Ngân như bị "hút hồn" qua từng lời ca, tiếng đàn nhị của cụ. Thế là những lúc rảnh, bà lại đạp xe từ nhà (Yên Nhân) lên Yên Phong để tìm gặp và nhờ cụ Cầu truyền đạt các làn điệu, bài hát xẩm. Bà Ngân nhớ lại: Cụ Cầu hát rất hay và có lối biểu diễn phiêu lãng. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của cụ với cây đàn nhị, miệng nhai trầu bỏm bẻm và mỗi khi cụ cất lên lời ca thì người nghe không thể phiêu lãng theo từng nhịp đàn, phách. Thấy tôi ham học, cụ Cầu chỉ bảo rất nhiệt tình, cụ từng nói đại ý: hát xẩm chẳng thể làm cho mình giàu có lên, nhưng nó sẽ khiến con người ta cảm thấy tâm hồn mình luôn được giải tỏa... Có lẽ vì vậy mà ngay cả đến khi trở thành người nổi tiếng, được phong tặng Nghệ nhân và được mệnh danh là "báu vật nhân văn sống", cụ Cầu và gia đình vẫn có cuộc sống bình dị, giản đơn...
"Thả" cho chúng tôi nghe vài giai điệu xẩm thập ân qua bài "Nghĩa mẹ sinh thành", bà Ngân chia sẻ: Hát xẩm rất khó, bởi lẽ nó đòi hỏi ngoài năng khiếu về thanh nhạc cần có sự trải nghiệm để thấm được những ngón rung, nhấn của đàn nhị mỗi khi hòa cùng nhịp trống, phách- ấy là khi người nghệ sĩ thực sự cảm nhận được hết cái "hồn của xẩm" và "phiêu" cùng xẩm. Sức hấp dẫn của hát xẩm chính là khả năng sáng tạo của những người nghệ sĩ. Hôm nay đây, khi nghe bà Phạm Thị Kim Ngân hát, người ta có thể mường tượng ra một kiếp người phiêu bạt, đầy sóng gió, thấy nỗi buồn da diết, lòng thương nhớ cha mẹ vô hạn khi nghe giai điệu xẩm thập ân và cảm nhận lòng yêu nước sâu sắc khi thưởng thức bài hát "Con ơi theo Đảng trọn đời".
Điều đáng quý ở bà Phạm Thị Kim Ngân, đó là khi hát xẩm có nguy cơ mai một thì bà lại là một trong số ít người tâm huyết đã bằng cách riêng của mình để truyền nghề cho thế hệ trẻ. Hơn 3 năm qua, bà Ngân đã cùng các cộng sự truyền đạt kỹ năng hát xẩm cho trên 100 người. Hiện tại, bà đang hướng dẫn cho 9 học sinh Trường THCS Yên Nhân và các lớp học đều được bà dạy miễn phí. Trong số các học sinh do bà Ngân hướng dẫn, nhiều em đã xuất sắc giành giải cao tại các hội diễn văn nghệ quần chúng do tỉnh tổ chức như: em Mai Ngọc Oanh, giành giải quán quân tại Liên hoan tiếng hát hoa phượng đỏ tỉnh Ninh Bình, năm 2019; em Phạm Như Quỳnh giành Huy chương bạc cuộc thi đàn hát dân ca tỉnh Ninh Bình năm 2017... Nói về công việc truyền nghề, bà Ngân cười vui: Mới đầu, khi nhận lời đề nghị của các đồng chí lãnh đạo huyện về việc truyền nghề cho các học viên, tôi rất băn khoăn và lo lắng vì sợ họ thấy khó mà bỏ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn học tập, nhiều học viên đã nắm bắt được những kỹ thuật xử lý thanh điệu cơ bản và hát được xẩm. Với tôi, học viên biết đến xẩm, yêu xẩm... đó là thành công lớn.
Cũng chính vì yêu xẩm nên mặc dù công việc nhà nông khá bận rộn nhưng chưa bao giờ cản được niềm đam mê ca hát của bà Ngân. ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào khán giả muốn nghe những giai điệu xẩm, bà và các thành viên CLB hát xẩm Kim Ngân đều sẵn sàng phục vụ. Những người đến với CLB hát xẩm Kim Ngân đều có chung niềm đam mê đặc biệt với bộ môn nghệ thuật này và kinh phí duy trì hoạt động của CLB do các thành viên tự nguyện đóng góp. Riêng cá nhân bà Ngân, giờ đây, mặc dù đã nắm chắc kỹ thuật những làn điệu cơ bản của xẩm, sử dụng khá sành những nhạc cụ như trống, sênh... nhưng hàng ngày bà vẫn say mê luyện tập từng làn điệu. Theo bà Ngân, mỗi lần được truyền nghề cho các học trò cũng là lúc bà được chau chuốt, mài giũa từng ca từ, giai điệu và được chia sẻ niềm say mê hát xẩm với mọi người, đó là niềm vui, hạnh phúc. Chính niềm đam mê hát xẩm của bà Ngân và các thành viên trong CLB hát xẩm Kim Ngân đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều người, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này.
Mai Lan