Dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến nhiều người dân, nhất là công nhân trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Vợ chồng chị Trần Thị Thanh, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) là công nhân của một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Ninh Phúc. Thu nhập hiện nay của hai vợ chồng chị được khoảng 12 triệu đồng, trong khi trước khi xảy ra dịch bệnh, thu nhập khi có tăng ca của 2 vợ chồng mỗi tháng vào khoảng trên dưới 20 triệu đồng, cũng khá thoải mái để lo cho gia đình 4 người. Còn hiện nay, phải tính toán chi phí sinh hoạt chặt chẽ, may ra cuối tháng mới không phải đi vay...
"Giờ nuôi 2 đứa con ăn học cấp 1 và cấp 2, chi phí mỗi tháng tiết kiệm cũng gần 5 triệu đồng, trong khi còn đủ các khoản sinh hoạt trong gia đình như tiền điện nước, tiền ăn uống, ma chay, hiếu hỉ... Có những khoản bắt buộc không thể cắt giảm như tiền điện nước, học hành của con..., còn lại, tôi phải tính toán cắt giảm các bữa ăn hàng ngày. Nhiều món ăn đã phải thay thế so với trước kia, như thay thịt bằng trứng, đậu phụ, cá tươi bằng cá khô, rau xanh cũng phải tính mua loại đúng mùa, người dân trồng được... Làm sao một ngày, chi phí cho ăn uống cả gia đình chỉ vào khoảng 120-150 nghìn đồng thôi. Cuộc sống nói chung cũng gặp khó khăn, nhưng gia đình luôn động viên nhau, thấy mình còn sung sướng hơn nhiều người dân miền Trung bị lũ lụt lắm rồi..." - chị Thanh chia sẻ.
Với gia đình anh Trần Văn Thống, phố Phong Lộc, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) thì những ngày tháng hiện nay rất đáng lo. Làm nghề chạy xe xích lô máy, chuyên chở hàng hóa, sản phẩm gỗ cho những người sản xuất, kinh doanh gỗ trong khu vực làng nghề mộc Phúc Lộc. Nhưng đã nhiều tháng nay, công việc ngày càng bấp bênh, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Trước đây, khi làng nghề hoạt động tấp nập, mỗi ngày anh cũng có thu nhập 300-400 nghìn đồng, còn giờ, ngày nào may mắn lắm mới thu được khoảng 200 nghìn đồng. Vợ anh làm nghề buôn bán hoa quả tại chợ, thời gian gần đây, người mua ít, hàng hóa ế ẩm. Số tiền hai vợ chồng được Nhà nước hỗ trợ do dịch bệnh COVID-19 không đủ cho nhu cầu chi tiêu hàng ngày, gia đình phải cắt giảm nhiều khoản chi phí.
Anh Thống cho biết: Trước đây, việc nuôi 2 con đi học với số tiền 7-8 triệu đồng/tháng đối với vợ chồng tôi cũng đã vất vả rồi, nay thì quá khó khăn. Cháu lớn đang học đại học, cháu thứ 2 học THPT năm cuối cấp. Vào đầu năm học, cả hai cháu đã phải đóng hơn 10 triệu đồng các khoản chi phí. Không có tiền, vợ chồng tôi phải rút tiền tiết kiệm dự định cuối năm sửa nhà để lo cho con tiếp tục con đường học tập. Các chi phí khác trong gia đình như điện, nước, ăn uống... đều phải tính toán ở mức tối giản, hạn chế xuống mức thấp nhất.
Không chỉ những người dân thành phố, khu đô thị mới gặp khó do dịch bệnh, do mưa bão, giá cả hàng hóa tăng, phải cắt giảm chi tiêu. Tại vùng nông thôn, những gia đình thuần nông hoặc có người đi làm công nhân, lao động tại các doanh nghiệp cũng gặp khó do sản xuất nông nghiệp không thuận lợi, việc làm không thường xuyên...
Chị Trần Thị Hảo, thôn Vân Thượng 1, xã Yên Thắng (huyện Yên Mô) trồng một số cây rau màu vụ đông, trong đó có hơn 1 sào rau má, dự kiến cho thu hoạch vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa bão, rau ngập úng cục bộ, táp lá, chất lượng giảm, chị phải thu hoạch nhanh để bán, thu được đồng nào hay đồng ấy. Chồng chị Hảo làm công nhân cho 1 công ty nhỏ, nhiều tháng nay công ty hoạt động cầm chừng, thu nhập của anh chỉ còn gần 4 triệu đồng/tháng. Vào đầu năm học mới, nhiều khoản đóng góp của hai con đang học tiểu học và THCS khiến anh chị phải xoay sở và tiết kiệm nhiều khoản mới đủ.
"Gia đình tôi giờ hầu như cắt giảm những thứ chi tiêu không đáng có. Như hạn chế mua sắm đồ dùng, quần áo, dùng điện tiết kiệm, ăn uống có thể tự cung tự cấp được gạo, rau xanh, vật nuôi như gà, trứng làm thực phẩm..., cố gắng cũng thấy cuộc sống dần ổn. Thời gian tới, nếu nguồn thu nhập trở lại như trước, gia đình tôi cũng sẽ vẫn sống như hiện nay, dành tiền tiết kiệm để sau này lo việc lớn, con cái học cao hơn sẽ tốn kém hơn.." - chị Hảo bộc bạch.
Theo nhiều người dân, mặc dù dịch bệnh COVID-19 trong nước gần 2 tháng qua đã được khống chế, không xuất hiện ca nhiễm mới tại cộng đồng, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng chưa thể đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả, dẫn đến thu nhập của công nhân, người lao động bị giảm. Hơn nữa, do mưa bão, lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung dài ngày đã ảnh hưởng đến giao thông, lưu thông hàng hóa giữa các vùng, miền. Một số mặt hàng thường xuyên giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước như hoa quả, rau xanh... không vận chuyển, lưu thông được, có dấu hiệu khan hiếm và tăng giá.
Trong điều kiện thu nhập khó khăn, nhiều gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu, cắt bỏ những khoản không thiết yếu để duy trì cuộc sống ổn định. Đây là việc làm cần thiết của mỗi cá nhân, gia đình, đồng thời thiết thực góp phần cùng xã hội chung tay phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Bài, ảnh: Hạnh Chi