Ngay từ những ngày đầu tháng Ba, lượng khách đến đặt may, mua áo dài tại tiệm may áo dài Mỹ Giang do bà Nguyễn Thị Giang làm chủ càng thêm đông đúc. Vừa tư vấn cho khách lựa chọn chất vải cho phù hợp với vóc dáng, sự kiện, bà Giang vừa tranh thủ chia sẻ với chúng tôi về con đường đưa bà, từ một cô gái tỉnh lẻ trở thành chủ của 3 tiệm áo dài đắt khách.
Những năm 90 của thế kỷ trước, bà Giang khăn gói vào Sài Gòn tìm thầy để học nghề may áo dài truyền thống. "Thời ấy, hàng may sẵn chưa đa dạng như bây giờ. Bởi vậy nghề may được xem là nghề "sống khỏe". Tuy nhiên, thay vì chọn học may các loại thời trang khác, tôi lại chọn học may áo dài, dù rằng thời ấy, chưa có nhiều người có đủ điều kiện để mua áo dài như bây giờ."- Bà Giang mở đầu câu chuyện.
Vậy là cô gái tỉnh lẻ chưa từng được mặc áo dài đã bắt đầu hành trình học nghề để thỏa niềm đam mê đối với tà áo dài. Học xong, cô gái trẻ Nguyễn Thị Giang xin đi làm cho một vài nhà may có tiếng trên đất Sài thành. Tuy nhiên, ban đầu, Giang chỉ được giao làm những công đoạn phụ. Nhưng không nản, bởi với Giang khi ấy, xác định rõ may áo dài là cả một nghệ thuật. Người thợ phải tỉ mỉ, sáng tạo để đạt đến độ tinh tế cho mỗi sản phẩm. Muốn vậy, người thợ phải bắt đầu từ những bước đi đơn giản nhất, có như thế mới trau dồi được những kỹ năng mà không trường lớp nào dạy được. Cứ như thế, bà Giang dần trở thành thợ tay nghề cao, mở được nhà may cho riêng mình.
Năm 2010, bà Giang quyết định về Ninh Bình lập nghiệp. Để lan tỏa được ý nghĩa của tà áo dài trong đời sống hiện đại, đưa áo dài đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân, bà Giang mở 3 cửa hiệu ở thành phố Ninh Bình và huyện Kim Sơn. Bà Giang chia sẻ: may chiếc áo dài công phu hơn nhiều so với các loại quần, áo khác.
Ngoài công đoạn cắt, rập, may, phần cuốn bìa áo phải dùng kim may tay và người làm phải thành thạo mới có thể may đúng yêu cầu. Công phu, tỉ mỷ và khéo léo là những yêu cầu cần có của mỗi người thợ may. Tuy nhiên, để tạo được nét riêng khác biệt thì người thợ phải thực sự say nghề. Mỗi dáng người là một số đo khác nhau. Cắt áo dài phải nhìn vào dáng người mới có thể đo và may chuẩn được. Mỗi người có đặc điểm vai, eo, lưng khác nhau, đòi hỏi người thợ phải nắm vững, hiểu về dáng khách thì mới tạo ra chiếc áo dài đẹp, tinh tế và phù hợp với từng khách hàng.
Tình yêu đặc biệt với tà áo dài của bà Giang đã lan tỏa đến các thành viên trong gia đình. Hiện nay, con trai bà đã theo nghiệp mẹ, hăng say sáng tạo và trở thành thợ may có uy tín dù tuổi đời còn rất trẻ. Để phù hợp với xu thế thời trang hiện đại, tiệm may Mỹ Giang sáng tạo nhiều mẫu áo dài cách tân nhiều đường nét hơn. Vẫn dáng chiếc áo dài xưa nhưng áo không có cổ, quần và áo cũng ngắn hơn… thể hiện sự đổi mới, sáng tạo, tỉ mỉ hơn để những chiếc áo dài phù hợp với từng lứa tuổi, ngành nghề của khách hàng.
Với sự tỉ mỉ đó, khách hàng đến với tiệm may Mỹ Giang rất nhiều. Mỗi tháng, khách hàng đặt may từ 500-700 chiếc áo dài. Chị Hồng Loan, một khách hàng của nhà may Mỹ Giang chia sẻ: Mặc dù không phải là trang phục để mặc thường xuyên, song vào những dịp lễ, tết và một vài sự kiện đặc biệt khác, áo dài vẫn là sự lựa chọn phù hợp của phụ nữ. Mặc áo dài kín đáo nhưng vẫn tôn lên vẻ đẹp, sự thanh lịch của người phụ nữ.
Tôi muốn may một chiếc áo dài cho một sự kiện sắp tới của gia đình. Sở thích của tôi là may một chiếc áo dài đơn giản nhưng phải có điểm nhấn tinh tế và thanh lịch. Vì vậy, tôi đã lựa chọn và đặt niềm tin vào nhà may Mỹ Giang.
Bài, ảnh Đào Hằng