Trò chuyện với chúng tôi về duyên gắn bó với nghề trồng và nhân giống hoa hồng cổ, anh Hưng tâm sự: Tôi biết đến những cây hoa hồng cổ khi tình cờ xem phim hài của nghệ sỹ hài "Phượng râu", cảnh trong phim là ngôi nhà thờ họ với 2 khóm hồng cổ rất đẹp.
Tôi chợt nhớ, cách đây mấy chục năm, ở làng Thiện Trạo (phường Ninh Sơn) gần như nhà nào cũng có một khóm hồng. Hoa hồng được trồng ở khắp khu vườn nhà, thậm chí hoa còn được trồng để làm tường rào. Hoa nở quanh năm, mỗi loài hoa đều có hương thơm đặc trưng riêng. Nhưng sau này, do thị hiếu người dân thay đổi, loài hoa ấy dần chỉ còn trong tiềm thức của một số người. Vì vậy, tôi nảy sinh ý tưởng tìm mua, trồng loài cây hoa hồng cổ cho khu vườn nhà của mình...
Cũng theo anh Hưng, ý tưởng ban đầu chỉ là trồng một khóm hoa hồng cổ để trang trí cho khuôn viên gia đình, nhưng khi càng đi sâu vào trồng, chăm sóc, cây hoa hồng cổ đã thực sự có sức cuốn hút mạnh mẽ với anh. Để có được những giống hồng cổ, anh Hưng đã lặn lội đi khắp nơi trong tỉnh từ Yên Khánh, Kim Sơn đến Nho Quan, Gia Viễn tìm mua.
Sau này có điều kiện, anh còn vào tận Thanh Hóa, Nghệ An rồi đi Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang... ở đâu có người giới thiệu nhà ai đó có giống hoa hồng cổ là anh lại thuyết phục để mua cho bằng được. Có những khóm hoa anh phải trăn trở đi lại nhiều lần thuyết phục gia chủ để họ bằng lòng "chuyển nhượng" cho mình.
Niềm đam mê trồng và nhân giống hoa hồng cổ của anh Hưng ngày một lớn dần. Khi anh nhân giống thành công nhiều khóm hoa hồng cổ cũng là lúc diện tích khu vườn nhà không đủ để đặt những cây giống. Và để có diện tích trồng, nhân giống hoa hồng cổ, anh Hưng đã mạnh dạn đề xuất với UBND phường cho anh được nhận đấu thầu khu đất rộng 7.000 m2 để trồng.
Vốn là người có nhiều ý tưởng trong sản xuất nông nghiệp và đã từng thành công khi hợp tác với doanh nghiệp Hồng Quang, Công ty Hoàng Long để đưa các cây ớt, ngô ngọt... về đồng đất Ninh Sơn nên đề xuất của anh Hưng nhận được sự ủng hộ của nhiều nông dân và đã được UBND phường chấp thuận. Có diện tích, anh thuê thêm người cùng chăm sóc, đầu tư lắp đặt đường ống tự động để tiện cho việc tưới cây. Hiện anh Hưng đã có trên 300 gốc hoa hồng cổ với 17 loài hoa như: hồng cổ Sapa, Bạch Vân Khôi, hồng đào cổ, hồng nhung, hồng phấn, hồng hường, hồng Hải Phòng... Trong đó có nhiều cây đã trên 30 năm tuổi.
Theo anh Hưng, kỹ thuật trồng, nhân giống hoa hồng cổ không quá khó nhưng cần phải tỷ mỉ và thực sự đam mê, kiên trì. Thời gian đầu, nhiều cây anh mua về bị chết hoặc rất khó chiết. Không nản chí, anh quyết tâm tìm hiểu kỹ thuật qua sách, báo, ti vi và học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi. Anh Hưng chia sẻ: Khác với loại giống hồng ngoại, hoa hồng cổ kháng sâu bệnh tốt, chịu được thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc.
Tuy nhiên lại rất dễ mắc bệnh bị nấm, đục thân, mốc sáng... và nếu không biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng lúc cây sẽ sinh trưởng, phát triển kém hoặc chết. Cũng theo anh Hưng, loài cây "đỏng đảnh" nhất là hồng cổ SaPa. Loài cây này có đặc tính mà nhiều loài hoa hồng khác không có như: sai nụ, nhiều hoa, tán rộng, có mùi thơm rất cuốn hút nên thường được thị trường ưa dùng để trang trí khuôn viên, biệt thự sân vườn hoặc được trồng trong chậu để trang trí ban công, trang trí nội thất văn phòng.
Chính vì có nhiều ưu điểm nổi trội nên hồng cổ SaPa cũng rất khó chiết cành nếu kỹ thuật không tốt. Anh Hưng chia sẻ: Để hoa nở đồng loạt và hạn chế sâu bệnh, sau mỗi lứa hoa cần tiến hành bấm ngọn (dài 15-20cm) để kích thích cây ra nhánh mới và ra hoa, hoa sẽ nở đồng loạt hơn, đồng thời hạn chế sâu bệnh.
Anh Hưng cho biết: Đợt Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua cũng có nhiều khách đến hỏi mua nhưng anh giữ để duy trì giống nên chưa kinh doanh. Thời gian tới, sau khi nhân được nhiều giống hoa, anh sẽ kinh doanh những cây hồng mà anh chiết được, đồng thời trồng, chăm sóc để đưa vườn hoa của mình trở thành một điểm đến tham quan của khách du lịch gần xa.
Tuy nhiên, để có thể thành công hơn nữa từ cây hoa hồng cổ, bên cạnh sự ủng hộ của gia đình, anh Phạm Văn Hưng vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp, ngành chức năng về vốn, mặt bằng và kỹ thuật. Có như thế mô hình trồng hoa hồng cổ của anh Hưng mới thực sự trở thành mô hình điển hình trong phát triển nông nghiệp đô thị, nhất là trong bối cảnh diện tích đất canh tác của Ninh Sơn không còn nhiều.
Bài, ảnh: Mai Lan- Trường Giang