Năm 2014, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện, sau khi bàn bạc với gia đình, ông Thịnh mạnh dạn đầu tư chuyển 2,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Ông Thịnh cho biết: Khởi nghiệp khi tuổi đã ngoài 50, đầu tư số vốn vài tỷ đồng là một quyết định mạo hiểm nhưng tôi tin vào năng lực của bản thân và hơn hết là tôi tin mảnh đất quê hương sẽ không phụ công người.
Nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Thịnh lựa chọn áp dụng công nghệ cao vào việc nuôi trồng thủy sản. Ao nuôi là ao nổi, láng xi măng, với đầy đủ hệ thống máy bơm, sục khí, đẩy nước, máy bắn thức ăn… tất cả được kết nối với hệ thống điều khiển tự động, có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, nguồn nước trong ao được xử lý bằng vi sinh nên hoàn toàn không phải sử dụng đến thuốc kháng sinh hay các
Sau một vài thất bại ban đầu do thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật, giờ đây trung bình cứ 7-9 tháng ông Thịnh thu 1 lứa cá (chủ yếu là trắm, chép, mè, rô phi…), sản lượng từ 40-60 tấn, doanh thu 1,5- 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 500-700 triệu đồng. Ngoài nuôi cá, hiện ông Thịnh còn sở hữu hàng chục gốc bưởi diễn, mít Thái đang thời kỳ ra quả bói, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, cựu chiến binh Bùi Đức Thịnh còn là người có thâm niên hàng chục năm tham gia công tác ở địa phương, từng đảm nhiệm cương vị là trưởng thôn, Phó Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, hiện nay là Phó Giám đốc HTX dịch vụ, thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa. Theo đó, ông đã đồng hành cùng nhân dân thôn Hoàng Quyển hoàn thành nhiều chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…
Ông Thịnh cho biết, trước đây, hầu hết mọi đường đi, lối lại trong thôn đều là đường đất, hoặc đổ đá cấp phối. Mỗi khi trời mưa, mặt đường lầy lội khiến không ai muốn bước chân ra ngoài đường. Ngoài ra, nơi sinh hoạt chung cho bà con trong thôn cũng chưa có, mỗi lần có công có việc lại phải đi nhờ địa điểm.
Đến khoảng năm 2012 - 2013, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ xi măng để làm đường bê tông, ông Thịnh đã lập tức cùng Ban lãnh đạo thôn tổ chức nhiều cuộc họp, mời các gia đình trong thôn tới tham dự để giải thích, tháo gỡ băn khoăn, động viên bà con cùng chung tay với Nhà nước xây dựng thôn xóm mình khang trang hơn.
Khối lượng công việc lớn, để người dân tin tưởng, vào cuộc, ông Thịnh đã cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động. Tất thảy mọi việc từ ủng hộ vật chất, công sức ông đều xung phong đi đầu. Khi xây nhà văn hóa, ông là người đứng ra vận động chủ máy ủng hộ ngày công xúc, ủi còn ông lo cơm, nước phục vụ công nhân lái máy.
Trong quá trình làm, mọi thứ từ giá nguyên vật liệu, khối lượng thi công rồi ai ủng hộ cái gì, số lượng bao nhiêu đều được ông ghi chép, cập nhật hàng ngày để người dân biết, cùng giám sát và kiểm tra. Thế là chẳng ai bảo ai, mọi gia đình đều tham gia đóng góp, nhà ít thì vài trăm nghìn đồng, nhà nhiều lên tới chục triệu đồng. Riêng các nhà thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn thì không phải đóng góp. Nhờ vậy, Hoàng Quyển trở thành một trong những điểm sáng của xã, sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Về phát triển kinhh tế, là một trong những người tiên phong trong việc chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, có bao nhiêu kinh nghiệm, ông Thịnh đều truyền dạy hết cho bà con. Ngoài ra với những hộ khó khăn ông còn hỗ trợ về giống, vốn sản xuất.
Năm 2015, ông cùng một số nông dân khác thành lập nên HTX dịch vụ, thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa để hỗ trợ nhau làm ăn, chia sẻ kỹ thuật, kết nối với các doanh nghiệp trong việc cung ứng cám, thuốc thú y thủy sản cũng như tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế cho các thành viên.
Chia sẻ về bí quyết thành công trong vận động người dân, ông Thịnh cho biết, thực chất làm dân vận không có gì khó, trước tiên là phải chân thành, phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, phải làm cho người ta quý mình thì mình nói người ta mới nghe. Bên cạnh đó, một yếu tố cốt lõi khác, theo ông Thịnh là phải dân chủ và công khai.
Những cống hiến của ông Thịnh đã được tỉnh, huyện ghi nhận qua những bằng khen, giấy khen nhưng trên hết đó chính là sự tin yêu, quý mến của bà con trong thôn, trong xã.
Hà Phương