"Bảo tàng" này có gần 300 hiện vật, trong đó nhiều nhất là ghè cổ hơn 100 cái. Ghè ở đây cũng rất nhiều loại như: Ghè BRoông( con cọp) rất độc đáo, lớp men bên ngoài và lớp men bên trong như da của con cọp. Ghè Broông Meo (con mèo) hoa văn bên ngoài như con mèo. Ngoài văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực uống rượu cần các dân tộc Tây Nguyên cũng đa dạng, mang đậm nét tâm linh. Rượu cần để cúng "Giàng", sử dụng ở tất cả các lễ hội. Từ lễ mừng lúa mới, cúng bến nước, lễ trưởng thành đến lễ bỏ mả... Ngày xưa các Tộc trưởng, Tù trưởng mới có điều kiện sở hữu những ghè quý. Mà các lễ quan trọng mới sử dụng ghè quý để làm rượu cúng "Giàng". Mỗi dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có sở thích sử dụng ghè quý riêng. Loại ghè mẹ bồng con lại là một câu chuyện khá thú vị. Họ kể lại rằng, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đều chung một cha mẹ (như chuyện Vua Hùng của dân tộc Việt Nam). Khi các con tách ra và thành các tộc người khác nhau thì chiếc ghè thiêng cũng được mỗi người con coi giữ. Chiếc ghè mẹ bồng con được giao cho dân tộc Jrai, ghè mẹ bồng hai con giao cho người Bahnar, ghè mẹ bồng ba con giao cho người Giẻ-Triêng và ghè mẹ bồng bốn con giao cho người Xê Đăng. Ghè mẹ bồng con cũng có hai loại (Lem bồng con và Stốt bồng con). Trong thế giới tâm linh của các dân tộc Tây Nguyên còn nhiều bí ẩn và rất nhiều thú vị. Nhiều nhà sưu tập và nghiên cứu còn nhiều trăn trở về nó. Ghè ở đây do giao thoa văn hóa mà có. Vì trước kia, tuy đường sá xa xôi, cách núi, ngăn sông nhưng người Kinh ở đồng bằng, người Hoa ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), người Chăm ở các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn mang ghè lên bán cho người Thượng để các Tù trưởng, Tộc trưởng đựng rượu cúng "Giàng", các lễ hội quan trọng và thường xuyên của người dân tộc thiểu số. Bên trong" Bảo tàng mi ni" của gia đình ông Hoàng Hữu có cả ghè của nước ngoài, ghè gốm Bình Định, ghè Bầu Trúc của người Chăm, ghè Gốm Mai của người Hoa hơn 300 tuổi. Có chiếc ghè quý, các Tộc trưởng, Tù trưởng phải đổi của người Kinh, người Chăm, người Hoa nhiều trâu, nhiều sản vật của rừng. Riêng ông chủ của "Bảo tàng" này đã có lần phải bỏ tiền túi trị giá 5 cây vàng mới mua được một chiếc ghè quý của người dân tộc Tây Nguyên. Các dân tộc thiểu số sống ở Tây Nguyên có phong tục đặc sắc là sử dụng ghè để làm rượu cần, nó còn là giá trị đẳng cấp. Vì rượu cần hiện hữu trong đời sống tâm linh, trong xã hội và suốt cả cuộc đời của con người, của dân làng họ. Xưa chỉ có Tù trưởng, Tộc trưởng mới có điều kiện sở hữu nhiều ghè quý. Mỗi dân tộc thiểu số ưa thích một loài ghè khác nhau. Các loại ghè có tên: Broông, BRoông Meo là những ghè rất quý mà trong bộ sưu tập của ông Hoàng Hữu có đủ cả. Trong số ghè kể trên đa số là ghè còn nguyên vẹn nhưng cũng có chiếc bị mất từ 1-3 tai. Mỗi một cổ vật chứa một câu chuyện bí ẩn như ta chưa từng gặp bao giờ. Khi tôi thắc mắc về điều này, ông Hoàng Hữu nói:" Người dân tộc thiểu số Tây Nguyên có tục chia của cho người thân đã về với tổ tiên (A Tâu) theo lệ: "Của đồng chia ba, của nhà chia đôi" nên khi gia đình có người thân quá cố thì gia đình đập tai chiếc ghè quý để chia cho người đã khuất. Ngoài việc làm nhà mồ khang trang, bầy gà con chia cho người đã khuất, mang cơm hàng ngày ra mộ, việc không thể thiếu là chia ghè rượu. Ghè thường chia cả chiếc nhưng cũng đập vỡ đi thì "người bên kia thế giới" mới sử dụng được, còn ghè quý thì chia cho một chiếc tai... Giới sưu tập bảo rằng ghè nào mất nhiều tai càng quý vì nó cổ và đã chia cho người mất nhiều lần. Thật khó hình dung được một người yêu văn hóa Tây Nguyên như thế lại là một người con của quê hương Ninh Bình. Ông Hữu kể: Năm 1966, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông khoác ba lô tạm biệt quê hương Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vào chiến trường Tây Nguyên đánh Mỹ. Sau ngày giải phóng, ông gắn bó với ngành Văn hóa - Thông tin hàng chục năm rồi chuyển gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.Với chức vụ Trưởng phòng Thông tin cổ động, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và chiếc máy ảnh trong tay ông thường xuyên bám các làng của người Jrai, Bahnar ở Gia Lai; Giẻ-Triêng, Xơ Đăng, Rơ Măm, Brâu ở Kon Tum vừa sưu tầm văn hóa dân gian, vừa viết báo và nặn tượng nên ông rất hiểu văn hóa Bắc Tây Nguyên.
Sống với Tây Nguyên nắng gió đại ngàn, ấn tượng đeo bám ông mãi mãi là mỗi khi chiều tà, bóng các cô thiếu nữ Tây Nguyên giã gạo bằng tay đẹp đến mê hồn. Và khi văn hóa của các tộc người Bắc Tây Nguyên đã ngấm vào máu thịt của ông thì niềm đam mê sưu tầm văn hóa vật thể xuất hiện. Ông tâm huyết với văn hóa vật thể Bắc Tây Nguyên và sống hết mình với nó, nên mỗi khi đi công tác cơ sở, trong túi có đồng nào ông lại dốc hết để mua lại cổ vật của đồng bào dân tộc thiểu số và đem về cất tại nhà riêng ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai-nơi gia đình ông cư trú trước kia. Thậm chí, khi nghe điện thoại của người bạn thân báo ở Kon Tum có món ghè rất lạ là ông bật dậy, lao xe máy lên đó luôn để mua lại món đồ đặc biệt ấy. Có thể nói, cả cuộc đời ông gắn bó với nền văn hóa Tây Nguyên. Ông tâm huyết với văn hóa vật thể Bắc Tây Nguyên và sống hết mình với nó..
Ngoài các ghè cổ, ông sưu tầm các loại nhạc cụ như: Chiêng, các loại đàn, tượng gỗ, các dụng cụ lao động, sinh hoạt, các loại bẫy thú rừng. Nhiều áo khố có giá trị bản gốc vì nó được làm bằng sợi cây nhuộm và dệt hoa văn độc đáo bằng tay đã lưu giữ. Các dụng cụ phục vụ các lễ hội tâm linh như: Con rối, mặt nạ, tượng gỗ... Ông có cả một bộ dụng cụ săn voi, dụng cụ lao động thời kỳ đồ đá. Trong bộ sưu tập của ông có cả bình gốm cổ thời nhà Lý, có cả kiếm thời Tây Sơn. Ông cho rằng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang ngày càng được cải thiện và phát triển theo đó bản sắc văn hóa đang dần mai một. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại nhưng sự khôi phục chưa được nhiều và chưa đồng đều. Tây Nguyên mất dần tiếng chày giã gạo vì máy xay xát đã về đến đầu làng. Nhà rông đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên thiêng liêng như thế nhưng việc xây dựng bây giờ không còn đặc trưng vốn có, mái nhà tôn đã thay thế mái nhà tranh và mất dần tính cộng đồng. Hết rồi cái phong tục chàng trai muốn về với cô gái phải tự tay đan một cái gùi đẹp để tặng người yêu. Các cô gái không còn dành ra nhiều mùa rẫy để dệt một bộ đồ thổ cẩm. Ông nhớ lại khi còn công tác, ông được tháp tùng một vị Giáo sư người Philippines đi tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Vị Giáo sư nhờ ông mua cho một bộ đồ thổ cẩm và nói rằng 20 năm nữa các anh phải tìm tôi mà xem các hiện vật gốc thế này. Từ câu nói đó, trong ông càng củng cố ý thức sưu tầm và giữ gìn văn hóa vật thể Bắc Tây Nguyên.
Cuộc sống mưu sinh, ông vào thành phố Hồ Chí Minh và bộ sưu tầm ấy cùng theo ông vào thành phố mang tên Bác. Thỉnh thoảng ông và một số người bạn cùng sở thích sưu tầm về Tây Nguyên lại cùng nhau tổ chức triển lãm giới thiệu cho người dân thành phố Hồ Chí Minh về văn hóa vật thể Tây Nguyên. Bây giờ tuổi đã cao ông lại mắc căn bệnh hiểm nghèo. Có người muốn mua toàn bộ bộ sưu tập của ông với giá nhiều tỷ đồng nhưng ông không bán. Hàng ngày ông vẫn lau chùi, ngắm nghía và căn dặn con mình sẽ bảo quản và giữ gìn.
Bài, ảnh: Văn Thư
Báo Gia Lai
Ghi chú: Bắc Tây nguyên gồm 2 tỉnh:Gia Lai và Kon Tum