Theo chân cán bộ CCB xã Khánh Vân, chúng tôi tìm đến gia đình ông Phạm Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nấm Khánh Vân. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại nấm của gia đình, ông Mỹ vui vẻ kể: Bản thân là người lính đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rời quân ngũ trở về địa phương, trải qua nhiều nghề khác nhau song chưa cải thiện được cuộc sống gia đình. Với bản lĩnh của anh "Bộ đội Cụ Hồ" không cam chịu đói nghèo, ông trăn trở tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình.
Tình cờ năm 2007, ông xem trên ti vi thấy mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả cao, vốn đầu tư ít và phù hợp với điều kiện của nhà nông bởi có thể tận dụng các phụ phẩm sẵn có như: rơm rạ, mùn cưa, ông đã cất công đi học hỏi nhiều nơi và về nhà làm thử.
Ngay vụ đầu ông đã thu lãi hơn 20 triệu đồng. Quyết tâm làm giàu từ nghề trồng nấm, ông mạnh dạn vay thêm vốn từ ngân hàng để đầu tư xây dựng lán trại trồng các loại nấm sò, mộc nhĩ trên diện tích 2.000m2.
Ông chia sẻ: Những năm đầu đi vào sản xuất, năng suất các loại nấm chưa cao, bị hư hỏng nhiều, hiệu quả thấp, lán trại tạm bợ nên hay bị đổ.
Không nản chí, ông tiếp tục bám trụ và phát triển nghề trồng nấm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cùng với sự hỗ trợ về xây dựng lán trại, tập huấn về kỹ thuật trồng nấm của các cấp, các ngành những năm sau, tình hình đã được cải thiện và mang lại hiệu quả cao.
Năm 2015, ông Mỹ đã sản xuất hơn 20 tấn nấm các loại, gồm nấm sò, mộc nhĩ, linh chi, nấm mỡ, nấm rơm với tổng doanh thu 1 tỷ 83 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi gần 500 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Mỹ còn động viên nhiều hộ tham gia trồng các loại nấm. Ông kể: Năm 2011, trên địa bàn xã, nghề trồng nấm mới dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ theo từng gia đình, nhận thấy cần có sự liên kết giữa các hộ để phát triển theo quy mô lớn hơn, đồng thời có sự giao lưu, trao đổi về kiến thức, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ sản phẩm, ông đã đề xuất với các hộ thành lập tổ hợp tác và được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng.
Ban đầu, tổ hợp tác chỉ có 7 người tham gia, sau khi thành lập, các thành viên trong tổ đã có sự liên kết gần gũi, giúp nhau về kỹ thuật nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước. Không dừng lại ở đó, năm 2014, được sự tư vấn của Liên minh HTX tỉnh, HTX sản xuất nấm Khánh Vân được thành lập.
Ông Mỹ là sáng lập viên và là người dự thảo điều lệ hoạt động, lập phương án sản xuất, kinh doanh, xây dựng Quy chế hoạt động... Ông nghĩ, là người đứng đầu HTX, mình phải làm gì để thu hút được nhiều người tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho các xã viên.
Thế là ông bàn với gia đình tập trung đầu tư vốn mua sắm trang thiết bị máy móc phù hợp với quy mô sản xuất lớn, mua thêm máy đóng bịch tự động 8 lỗ cho năng suất đóng 100 bịch/giờ. Vì thế giá thành sản xuất rẻ hơn, ông bán bịch ươm trắng cho các thành viên trong HTX với giá rẻ hơn trước từ 700 đến 1.000 đồng/bịch.
Đến nay, HTX đã có 14 thành viên tham gia và cũng từ đó, ngoài trồng nấm thương phẩm, ông còn sản xuất, cung cấp hàng vạn bịch phôi nấm cung cấp cho các hộ gia đình trong xã và các tỉnh lân cận, đồng thời nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất nấm trên địa bàn.
Nhờ trồng nấm, ông Mỹ đã có cuộc sống kinh tế gia đình khá giả, hiện tại trang trại nấm của ông đang tạo việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 đến 3,3 triệu đồng/người/tháng.
Với nghị lực của người lính cách mạng, ông Phạm Văn Mỹ đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, được mọi người tin yêu. Chia tay người CCB đầy nghị lực và khát khao cống hiến, không cam chịu đói nghèo, trong lòng chúng tôi trào lên một cảm xúc mạnh mẽ, niềm tin yêu và cảm phục những người lính năm xưa đã từng vào sinh ra tử vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nay lại là những người CCB đi đầu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Họ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Bài, ảnh: Thùy Phương