Làng nghề gốm Gia Thủy được hình thành từ những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Cách đây nửa thế kỷ, vào thời kỳ "hoàng kim" của làng gốm Gia Thủy, cả làng có trên 40 xưởng sản xuất gốm, có xưởng lên tới hàng trăm người làm thường xuyên. Làm ra sản phẩm đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Khách hàng từ các tỉnh, thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An… đều đổ về đây lấy hàng, trong đó có khách hàng của Nhật.
Sinh ra trong một gia đình có nghề làm gốm cổ truyền, nghệ nhân Đinh Quang Hà từ nhỏ đã có niềm đam mê với nghề làm gốm. Theo ông, sản phẩm gốm luôn gắn liền với hàng cau, giếng nước, sân đình; nó thân thuộc và gần gũi với người nông dân. Vì vậy, ông luôn muốn gửi gắm những hình ảnh giản dị như hạt thóc, củ khoai, con cua, con cá ngoài đồng vào các tác phẩm gốm của mình.
Từ sự đam mê cháy bỏng đó, nghệ nhân Đinh Quang Hà đã quyết định gắn bó cả cuộc đời với nghề gốm. Ngày ngày đi học về là Đinh Quang Hà lại cần mẫn học các nghệ nhân để biết công thức pha trộn đất, lượng nước vừa đủ để khi chế tác phải mềm, không bị nứt khi phơi khô, cách chế tác các hoa văn; cách nung lò, thời gian nung bao lâu để đảm bảo sản phẩm vừa đẹp lại vừa rắn, không bị rạn nứt… Với những họa tiết trên đồ gốm, Đinh Quang Hà luôn cách điệu các con vật, cỏ cây, hoa lá vào tác phẩm. Dần dần những đám mây, bờ tre, giếng nước, sân đình, những con vật như lân, ly, quy, phượng… đã được ông thổi hồn vào làm cho nó trở nên sống động.
Nghề làm gốm có một đặc điểm là tuy cùng một khuôn mẫu, nhưng dưới bàn tay của mỗi người thợ, nó lại có những sắc thái riêng biệt. ở làng gốm, tác phẩm nào của nghệ nhân Đinh Quang Hà người ta cũng dễ nhận biết vì đường nét sắc sảo, bố cục vững chắc; động nhưng lại rất tĩnh và hiền hòa, hướng thiện. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, hàng nghìn sản phẩm gốm dưới bàn tay của nghệ nhân Đinh Quang Hà đã đi khắp nơi trong và ngoài nước, được thị trường chấp nhận và đôi lúc không đủ để tiêu thụ. Có những thời điểm, khi gốm ra lò, việc phân chia hàng rất khó khăn vì người mua nào cũng muốn lấy nhiều hơn, nhưng số lượng chỉ có hạn. Nhiều tác phẩm có trị giá hàng chục triệu đồng.
Đam mê với nghề gốm là vậy, nhưng nghệ nhân Đinh Quang Hà cũng rất buồn bởi ông có 4 người con, 3 cháu đã đi làm cho nhà nước và các doanh nghiệp, cháu nhỏ nhất đang học THPT nhưng cũng không có ý theo nghề làm gốm. Điều mà ông lo lắng nhiều nhất, đó là việc truyền nghề cho thế hệ sau. Cũng chẳng trách được họ bởi nghề làm gốm mưa nghỉ, nắng làm, lúc nào cũng lam lũ, vất vả, lại độc hại, trong khi đó thu nhập cũng không cao…
Từ suy nghĩ đó, ông chọn những người có chung niềm đam mê làm gốm để truyền nghề. Đến nay hơn 10 học trò của ông đã trưởng thành, có người ở lại quê hương để tiếp tục làm nghề gốm, có người đi nơi khác để mở nghề làm gốm. Hầu hết các học trò của ông đều thành đạt và có tay nghề cao.
Cuộc đời gắn bó với nghề gốm, như con tằm nhả tơ, cần mẫn thổi hồn vào đất, từ cục đất vô tri, nghệ nhân Đinh Quang Hà đã tạo ra những sản phẩm gốm độc nhất vô nhị. Ông đã được tín nhiệm bầu làm Phó chủ nhiệm HTX gốm Gia Thủy. Điều mà ông còn trăn trở, đó là tỉnh ta là một tỉnh có thế mạnh du lịch, du khách về Ninh Bình luôn mong muốn có một chút quà lưu niệm, nhưng chưa tìm ra được ý tưởng độc đáo, dễ nhận biết để thể hiện trên đồ gốm của mình. Để du khách sau khi mang quà về, chỉ nhìn là biết đó là sản phẩm của Ninh Bình và hình ảnh của Ninh Bình còn lưu mãi trong lòng du khách gần xa.
Bài, ảnh: Xuân Tứ