Một ngày cuối đông, chúng tôi về thăm Phong Tĩnh, ngôi làng được mệnh danh là làng có nhiều tỷ phú. Từ đập tràn Lạc Khoái đi thêm vài trăm mét, rẽ trái là tới. Trước mắt chúng tôi không gian trải rộng và khá êm đềm. Thấp thoáng sau những lùm cây xanh là những ngôi nhà cao tầng hiện lên như một minh chứng về sự đổi thay đáng kể của vùng quê này. Tiếp chúng tôi tại nhà văn hóa thôn có đủ cả Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban giám sát cộng đồng thôn... Sau phút làm quen, câu chuyện giữa chủ và khách dần trở nên thân mật, cởi mở.
Các bậc cao niên của thôn đã dẫn dắt chúng tôi đi từ hiện tại ngược về quá khứ với những bước thăng trầm nhưng cũng đáng tự hào của mảnh đất và con người nơi đây. Hiện, Phong Tĩnh có 275 hộ với 971 khẩu, là thôn công giáo toàn tòng.
Cũng như nhiều vùng quê khác, trước đây người dân trong vùng sống chủ yếu nhờ nghề sản xuất nông nghiệp, song do ruộng đất ít (bình quân mỗi người chỉ có 7 thước ruộng) nên các gia đình phải làm thêm nghề chài lưới, đồng thời đi xa vài km, tới xã Sơn Lai (Nho Quan) để xâm canh trồng thêm ngô, sắn mới tạm đủ ăn.
Vốn nằm bên dòng Hoàng Long, sẵn biết nghề sông nước, từ năm 1964 Phong Tĩnh đã thành lập HTX vận tải thủy. Ngoài nhiệm vụ phục vụ sản xuất, kiến thiết quê hương, HTX còn có đội tàu tham gia vận tải súng đạn, lương thực phục vụ chiến đấu khu vực từ Thanh Hóa tới Quảng Bình, từ đất liền ra phao số không. Trong quá trình tham gia phục vụ chiến đấu đã có 3 người của đội tàu hy sinh, 3 người khác bị thương.
Giai đoạn từ 1984-2000 là thời kỳ trầm lắng của nghề vận tải thủy, bởi mô hình hoạt động HTX không còn phù hợp, dẫn tới phải giải thể. Sau năm 2000 nghề vận tải thủy ở Phong Tĩnh dần được hồi phục nhưng hoạt động vẫn khó khăn bởi cơ chế chưa thực sự thông thoáng, đặc biệt là chính sách tín dụng không ổn định. Có thời điểm chủ tàu phải đi vay ngoài chợ đen với lãi suất cao để đóng tàu hoặc lấy vốn kinh doanh dẫn đến có gia đình bị phá sản.
Từ năm 2011 đến nay, cơ chế chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi, theo hướng thông thoáng, thuận tiện, phù hợp với nhu cầu người sản xuất, kinh doanh, nhờ đó nghề vận tải thủy ở Phong Tĩnh có dịp phất lên như diều gặp gió. Nhiều hộ đã đứng ra thành lập doanh nghiệp, vay vốn với lãi suất ổn định để đầu tư đóng tàu.
Cả thôn giờ đã có gần 100 tàu trọng tải từ 1000 đến 1500 tấn, trị giá tài sản lên tới 600 tỷ đồng. Địa bàn hoạt động mở rộng từ Bắc vào Nam. Nhiều gia đình sắm được 2 tàu, như gia đình các ông Đinh Văn Đức, Trần Văn Hùng, Trần Văn Bằng, Trần Văn Quy… Có nhà mua được 3 tàu như ông Trần Văn Lợi. Trung bình, mỗi tàu giải quyết việc làm cho từ 5-7 lao động, chủ yếu là người địa phương. Làm ăn có lãi, các chủ tàu dần trả được nợ ngân hàng, có điều kiện xây dựng nhà cửa, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Trần Thống Nhất, Trưởng Ban giám sát cộng đồng thôn được coi là người giàu có nhất vùng bởi 4 người con, cả trai và gái của ông đang sở hữu tới 7 con tàu. Có người còn mở thêm siêu thị mini, kinh doanh xăng dầu. Ông cho biết, các con ông hiện đều có nhà to, đẹp, trị giá nhiều tỷ đồng.
Ngoài nhà xây ở quê, còn có nhà trên thành phố… Các con ăn nên làm ra nên tuổi già của ông cũng được an nhàn. Vui nhất là dịp Giáng sinh và Tết Nguyên đán, cả nhà quây quần đông đủ, cùng nâng chén rượu xuân, kể cho nhau nghe những thành quả sau một năm lao động vất vả cũng như kế hoạch, dự định trong năm mới.
Qua câu chuyện với các cán bộ thôn, chúng tôi còn được biết, do tính chất công việc nên các chủ tàu là nam giới thường đi vài tháng, thậm chí cả năm mới về thăm nhà nên trong làng hầu như chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ.
Có lẽ vì vậy mà những người cao tuổi ở đây luôn thấy rõ trọng trách của mình trước quê hương, làng xóm và gia đình, họ đã tích cực động viên con cháu chăm chỉ lao động sản xuất, nhiệt tình hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "sống tốt đời đẹp đạo"; tham gia xây dựng nông thôn mới. Trẻ em đến tuổi đều được tới trường. Dịp Giáng sinh vừa qua Phong Tĩnh đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Làng văn hóa.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh thôn, ông Nguyễn Ngọc Ba, Bí thư Chi bộ thôn chỉ tay giới thiệu cho tôi biết chủ nhân của những ngôi nhà cao tầng, biệt thự phần lớn là chủ tàu hoặc chí ít cũng có người đang đi theo các tàu để làm ăn. Ông Ba cho biết thêm, hiện 80% gia đình trong thôn đã có nhà xây mái bằng hoặc cao tầng, cả thôn chỉ còn 3 hộ nghèo (do già cả neo đơn, tàn tật)…
Nhìn thành quả hôm nay ở Phong Tĩnh trong lòng tôi thấy vui, phấn chấn và thầm khâm phục ý chí vươn lên làm giàu của người dân nơi đây. Điều đó còn cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc khơi dậy nội lực, tiếp thêm sức mạnh để người dân phát huy hết khả năng, sáng tạo của mình, vươn lên làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Lúc chia tay các cán bộ chủ chốt của thôn, ông Trần Thống Nhất còn nói với tôi đầy quả quyết: Thỉnh thoảng mời chị quay về đây, chị sẽ còn ngạc nhiên hơn nhiều bởi cứ đà như hiện nay Phong Tĩnh sẽ có thêm nhiều tỷ phú nữa... Và tôi tin điều đó sẽ thành hiện thực.
Bài, ảnh: Hà Trang - Minh Quang