HTX Ngọc Động được thành lập từ năm 1959, mặc dù đã chuyển đổi theo Luật năm 2003, nhưng những thói quen canh tác từ xa xưa, ảnh hưởng của chế độ bao cấp vẫn còn hiện diện đã làm giảm tính năng động, sáng tạo của cán bộ HTX, hoạt động của HTX kém hiệu quả, chất lượng dịch vụ thấp.
Hơn nữa, địa phương nằm trong vùng Hữu (vùng xả lũ, chậm lũ sông Hoàng Long) lại có địa hình canh tác phức tạp, đồng đất không bằng phẳng, phân chia nhỏ lẻ; hệ thống kênh mương yếu, kênh cấp 2, cấp 3 chủ yếu bằng đất. Từ những năm 2009 trở về trước, năng suất lúa bình quân trong năm chỉ đạt 70-100 kg/sào và đó là thời kỳ cấy nhiều mà thu hoạch chẳng được là bao!
Nói về những điểm khác biệt cơ bản của HTX kiểu mới và kiểu cũ, ông Hoàng Văn Mạnh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Động cho biết: Luật HTX năm 2012 xác định rõ bản chất của HTX là phục vụ nhu cầu, nguyện vọng của thành viên, coi trọng lợi ích hơn lợi nhuận.
HTX kiểu mới không chỉ đánh giá hiệu quả của các thành viên như thế nào mà còn cho thấy phát triển kinh tế tập thể sẽ làm gia tăng cái gì cho hộ nông dân. Đối với sản xuất nông nghiệp, để đảm bảo được năng suất, chất lượng, hiệu quả cao phải cần có nhiều yếu tố.
Chức năng, nhiệm vụ chính của HTX Ngọc Động là đang thực hiện dịch vụ vận hành thủy lợi, làm đất, vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Ban quản trị HTX xác định các khâu then chốt trong sản xuất để từng bước chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Bằng nguồn vốn vay tín chấp, vốn hiện có, đến nay mỗi vụ HTX đã đứng ra cung ứng khoảng 4,2 tấn (giá trị khoảng 400 triệu đồng), chiếm khoảng 90% nhu cầu thóc giống các loại; cung ứng khoảng 70 tấn phân bón (giá trị 300 triệu đồng) bằng khoảng 40% nhu cầu và 100% nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ nông dân trong vùng.
Dịch vụ dẫn nước được Ban quản trị HTX hợp đồng với tổ thủy lợi gồm 7 thành viên, mức khoán 9 tấn thóc/năm; cách làm này được cho là khá hay, vì với mức khoán gọn về giá trị kinh tế nên buộc các thành viên tự giám sát lẫn nhau, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm với phần việc của mình cũng như trách nhiệm chung với HTX và nếu không sâu sát với công việc thì chi phi sẽ tăng, thu nhập của các thành viên sẽ giảm.
Hay như dịch vụ diệt chuột bảo vệ lúa, Ban quản trị HTX tiến hành ký hợp đồng đánh chuột với tổ chức chuyên nghiệp, đến cuối vụ đánh giá mức độ thiệt hại (nếu có) để giảm trừ giá trị hợp đồng.
Thực tế vài vụ qua, hiệu quả của dịch vụ này khẳng định bằng năng suất lúa ổn định và tăng dần qua từng vụ ở các xứ đồng của HTX và trong địa bàn xã Gia Phong.
Được biết, HTX có 4 đội sản xuất với 776 hộ thành viên, canh tác trên 165 ha (vụ đông xuân) và 111 ha (vụ mùa). Là địa bàn thuần nông, nên các hoạt động dịch vụ nông nghiệp mới dừng ở đầu vào, chưa có cung ứng được dịch vụ ở đầu ra.
Tìm hiểu về lĩnh vực này, chúng tôi được biết đây cũng là tình trạng chung của cả nước khi phần lớn (hơn 9.000 HTX, chiếm gần 90%) các HTX nông nghiệp mới chỉ cung ứng được các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, chỉ có 9% HTX cung ứng được dịch vụ đầu ra.
Đại diện Ban quản trị HTX Ngọc Động chia sẻ: Các thành viên và hộ gia đình, người nông dân có vị thế quan trọng trong quan hệ liên kết 4 nhà, kể cả làm tốt khâu "đầu vào, đầu ra".
Nếu từng hộ gia đình, từng thành viên không đủ tiềm lực, không đủ sức trong liên kết chuỗi sản xuất thì HTX chính là người đại diện cho họ làm được điều đó.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn của HTX còn "mỏng" (tiền mặt trên 300 triệu đồng, cùng với tài sản cố định khoảng trên 1,2 tỷ đồng, gồm nhà kho, sân phơi, hội trường, trạm bơm...).
Một khó khăn nữa là, hiện Gia Phong chưa thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa nên chưa có điều kiện để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với những thửa ruộng lớn hoặc áp dụng những máy móc hiện đại...
Trước những khó khăn này, trả lời câu hỏi làm thế nào để người nông dân thấy được sự cần thiết phải tham gia vào HTX và xây dựng HTX kiểu mới phát triển, hiệu quả hơn? Ban quản trị HTX Ngọc Động cho biết ý tưởng và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới: Thực hiện tốt đề án dồn điền, đổi thửa; tận dụng mặt bằng trụ sở HTX liên kết đầu tư lắp đặt dây chuyền máy sấy thóc cho nhu cầu của địa phương và vùng lân cận vì nơi đây là vùng chậm lũ và xả lũ của sông Hoàng Long nên khi thu hoạch về cần thực hiện việc bảo quản, nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm nông nghiệp.
Khi các hộ xã viên có mảnh ruộng rộng lớn, thì đưa vào gieo trồng một số giống lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Vùng đất trũng chuyển sang canh tác "1 lúa, 1 cá" hoặc nuôi cá theo phương thức công nghiệp.
Nhận xét về vai trò, hiệu quả của HTX đối với sản xuất nông nghiệp, đồng chí Đinh Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phong cho biết: Hoạt động của Ban quản trị HTX tích cực và khá rõ nét, tạo sự đồng thuận cao trong các thành viên. HTX Ngọc Động làm rất tốt nhiệm vụ và là cánh tay nối dài của chính quyền trong chỉ đạo, triển khai sản xuất.
Đến nay năng suất lúa bình quân của HTX Ngọc Động tăng rõ rệt (vụ đông xuân đạt 65 tạ/ha, vụ mùa trên 40 tạ/ha) đã góp phần đưa xã Gia Phong lọt vào tốp 5 các xã đạt năng suất cao của huyện Gia Viễn.
Nguyễn Minh