Ngày 12-7-1965 có lẽ là ngày không thể nào quên với bác Lận. Ngày đó nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Phạm Văn Lận đã gạt đi những ước mơ, những hoài bão của tuổi trẻ tình nguyện viết đơn vào chiến trường. Bác tham gia chiến đấu tại Đại đội 2K53, đoàn đầu tiên và cũng là đoàn duy nhất do Trung ương Đoàn chỉ đạo thành lập gồm thanh niên 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Tây và Nam Định, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.
Nhiệm vụ chính của bác lúc đó là vừa vận chuyển, bảo vệ hàng hóa, đưa dẫn thương bệnh binh từ Nam ra Bắc và ngược lại, vừa bí mật giữ vững đường dây liên lạc để không bị lộ, không bị phá vỡ. Với cương vị là Tiểu đội trưởng, bác Lận đã tìm ra nhiều cách thức liên lạc sáng tạo, bí mật như dùng cây nêu, ngọn tre… để ám hiệu báo tin, đảm bảo bí mật tuyệt đối.
Bác nói đùa với chúng tôi khi đó "Đồn một bên và bạn một bên", có nghĩa là bác làm nhiệm vụ rất gần với đồn 41 do Ngụy quân án giữ, rất nguy hiểm như đang chiến đấu trong lòng địch nhưng bằng sự thông minh, khéo léo, bác đã cùng với tiểu đội của mình đảm bảo thông suốt, an toàn cho từng chuyến hàng, từng thương binh đi qua.
Nhắc lại những kỷ niệm quá khứ, bác không khỏi bùi ngùi xúc động nghĩ về những đồng đội đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Và để giữ lời hứa với những đồng đội đã ngã xuống, bác đã quyết tâm phải hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Kỷ niệm bác nhớ nhất là vào cuối năm 1967, bác đã khôn khéo vận chuyển được 3 gùi tài liệu chuyển về thành phố Huế làm tài liệu tuyên truyền phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Với những thành tích đã đạt được bác Lận đã được tặng thưởng danh hiệu "Chiến sỹ thần đồng vai sắt" và Kỷ niệm chương "Tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường".
Trở về quê hương với những vết thương chiến tranh cứ trái nắng trở trời lại tái phát, bác Lận đã không lùi bước trước khó khăn, vất vả mà bám đồng bám ruộng, tự lực cánh sinh nuôi 5 người con khôn lớn, trưởng thành. Với 9 sào ruộng trong tay, khó ai có thể ngờ bác đã xoay xở để nuôi các con học đại học, có việc làm ổn định.
Bác Lận tâm sự, có những lúc khó khăn, vất vả, muốn nản lòng, nản chí nhưng dường như quá khứ hào hùng của một thời cả nước cùng đứng lên chiến đấu chống giặc ngoại xâm đã tiếp thêm sức mạnh cho bác, giúp bác vượt qua tất cả. Bác đã tận dụng mảnh vườn của gia đình để trồng cây cảnh, tạo thêm thu nhập. Khi đã trải qua những vất vả, bác lại hướng về đồng đội cũ bằng cách giúp đỡ những cựu TNXP trên địa bàn cách thức sản xuất, vay vốn để phát triển sản xuất. Tuy không mang đến cho đồng đội tiền bạc, vật chất nhưng tấm lòng của bác luôn hướng về họ, những người đã cùng bác một thời vào sinh ra tử, một thời "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Phát huy truyền thống của một cựu TNXP, bác Lận không những chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Lúc nào có thời gian rảnh rỗi, bác lại tìm về với những đồng đội xưa để cùng nhau ôn lại kỷ niệm chiến trường, truyền cho nhau sức mạnh, nghị lực và niềm tin để vượt lên những khó khăn của cuộc sống.
Bài, ảnh: Quỳnh Thu