Hoàn cảnh gia đình của chị Liên không được thuận lợi như nhiều người khác. Chồng không may mất đi khi những đứa con đang tuổi ăn học, một mình chị bươn chải với ruộng vườn với mong ước có đủ cơm ăn, áo mặc, tiền đóng học cho các con. Quẩn quanh mãi với những nỗi buồn và sự nghèo khó, chị Liên những tưởng mình không vượt lên được. Nhưng rồi không cầm lòng nhìn các con nheo nhóc, thiếu thốn mãi, chị Liên quyết tâm phải thoát nghèo, phải vươn lên để mẹ con có cuộc sống ổn định.
Nghĩ là làm, nhận thấy công việc phù hợp nhất với trình độ và năng lực của mình là chăn nuôi, chị Liên trình bày nguyện vọng được vay nguồn vốn của Hội phụ nữ xã đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng diện tích đất vườn rộng, được Hội phụ nữ xã tín chấp cho vay 8 triệu đồng, chị Liên xây dựng chuồng trại và mua 10 con lợn thịt, vài chục con gà siêu trứng để nuôi. Mới bắt tay vào nuôi nhưng chị Liên rất thận trọng, chị chăm sóc các con nuôi cẩn thận, không ngừng học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của những người trong xóm, trong thôn, qua các lớp tập huấn của các tổ chức - đoàn thể trong xã để lợn, gà nuôi nhanh lớn, ít mắc bệnh, chất lượng thịt ngon.
Chị Liên chia sẻ, đối với một người phụ nữ một mình nuôi con, tài sản trong tay không có gì, thì việc cố gắng thoát nghèo đối với họ gấp trăm gấp nghìn lần người khác. Khi được vay nguồn vốn 8 triệu đồng - số tiền quá lớn đối với gia đình và bản thân tôi, tôi rất lo lắng và tự nghĩ sẽ phải tính toán làm sao để đạt hiệu quả nhất, không phụ lòng các chị em trong Hội phụ nữ đã tin tưởng, tạo điều kiện cho vay. Nghĩ thế nên tôi đã có những ngày tháng một mình tính toán, làm việc không có ngày đêm, đủ mọi việc của cả đàn ông và đàn bà để vực kinh tế gia đình lên.
Nhờ chăm chỉ chăn nuôi, tính toán quay vòng triệt để, những lứa lợn, gà đầu tiên thắng lợi, chị tích lũy vốn mở rộng quy mô, sau đó chuyển sang chuyên nuôi gà siêu trứng, có thời điểm chị nuôi đến hơn 1 nghìn con gà siêu trứng. Thu nhâp từ chăn nuôi gà siêu trứng mỗi năm hàng trăm triệu đồng đã giúp gia đình chị Liên ổn định dần và có thêm nguồn vốn tích lũy.
Nhưng vốn là người phụ nữ ham học hỏi và mạnh dạn, quyết đoán, qua các buổi được địa phương, tổ chức hội phụ nữ cho đi tham quan, học tập tại các địa phương có sự phát triển các mô hình về các cây, con mới, chị Liên nhận thấy, mô hình nuôi vịt trời, là con nuôi mới chưa có nhiều người nuôi trên địa bàn địa phương nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăn nuôi, chăm sóc. Thế là đầu năm 2017, chị Liên quyết định chuyển dần từ nuôi gà siêu trứng sang nuôi vịt trời. Hiện nay, tổng đàn vịt trời của gia đình chị trên 500 con, vào thời kỳ cao điểm mùa sinh sản, tổng đàn có thể lên tới 700-800 con.
Đặc biệt, từ phải đặt mua con giống ở nơi khác, chị Liên đã mày mò nhân được giống để chủ động trong chăn nuôi tại nhà và cung cấp cho những gia đình có nhu cầu. Theo chị Liên, nuôi vịt trời không khó, chuồng trại cũng đơn giản, nhất là vịt trời có sức đề kháng rất tốt, tuy nhiên vẫn phải phòng bệnh bằng tiêm vacxin như dịch tả, H5N1…. Cùng với đó người chăn nuôi có thể chủ động được nguồn thức ăn sẵn có như lúc vịt nhỏ thì nuôi bằng tấm, cám; lớn hơn thì nuôi bằng lúa và các thức ăn công nghiệp bán sẵn để vịt đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, vịt có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 80-90 ngày là có thể xuất bán với trọng lượng trung bình từ 1-1,2kg/con, trong khi giá bán khá cao, từ 100-120 nghìn đồng/con.
Từ một phụ nữ nghèo, chật vật mọi thứ, nay chị Vũ Thị Liên đã có nguồn thu nhập bền vững và đáng kể từ chăn nuôi vịt trời. Mỗi lứa vịt nuôi từ 500-600 con, ngoài xuất bán vài tạ vịt thương phẩm, chị Liên có nguồn thu thêm từ trứng bán với giá hơn 30 nghìn đồng/chục, vịt giống bán khoảng 30 nghìn đồng/con… trừ mọi chi phí, chị Liên thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi lứa, doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dự định của chị Liên thời gian tới là sẽ nhân thêm vịt bố mẹ để tăng số đàn nuôi; đầu tư cải thiện thêm hệ thống chuồng trại nhằm nâng cao chất lượng đàn vịt; đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất trên địa bàn, xã cùng nuôi vịt trời để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nâng cao cuộc sống.
Hạnh Chi