Gửi lại chiến trường một phần cơ thể, năm 1980, ông Phạm Đăng Ngát trở về quê hương với thương tật hạng 2/4. Năm 1981, ông xây dựng gia đình với bà Trần Thị Nhung là người cùng quê. Những ngày đầu trở về cuộc sống đời thường và lập gia đình riêng, kinh tế gia đình của anh thương binh Phạm Đăng Ngát vô cùng khó khăn bởi vì trong tay hai vợ chồng không có chút vốn liếng nào. Nhưng với phẩm chất của người lính cụ Hồ không chịu lùi bước trước khó khăn, lại học được nghề cơ khí từ trong quân ngũ, ông Ngát mở cửa hàng sửa chữa xe đạp, buôn phụ tùng xe đạp… Mong muốn kinh tế gia đình ngày càng vững chắc, đầu tư cho con cái ăn học, ông Ngát bàn với vợ đầu tư máy xay sát, vừa tận dụng được lao động tại chỗ và tận dụng cám để chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhờ đó kinh tế gia đình ngày một ổn định. Khi nghề xay sát đã ổn định, nhận thấy quê hương ít người làm nông cụ sản xuất, ông Ngát đã tìm đến các trung tâm dạy nghề, xưởng cơ khí trong và ngoài huyện học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu thêm qua tài liệu và mạnh dạn mở xưởng sản xuất, gia công các mặt hàng cơ khí nông nghiệp như máy làm đất, máy bơm nước, máy trộn bê tông và các nông cụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Ban đầu, xưởng sản xuất gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư ít, ông Ngát lại không được học qua trường lớp cơ bản nào về cơ khí nên tất cả đều là mày mò, tự học rồi tự làm. Những khó khăn rồi cũng qua đi khi sản phẩm cơ khí do ông làm ra ngày càng được người dân tin dùng. Lúc đầu chỉ là cơ sở nhỏ vừa kinh doanh, vừa gia công công cụ máy, đến nay đã trở thành Doanh nghiệp Ngát Nhung với 3 cơ sở: 2 cơ sở tại xã Khánh Nhạc và 1 cơ sở tại thành phố Ninh Bình. Hiện nay, Doanh nghiệp của ông vừa nhập và sản xuất ra những công cụ phục vụ cho nông - ngư nghiệp như máy xay xát gạo, máy cày, máy gặt... vừa sản xuất những công cụ phục vụ cho xây dựng. Sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ phục vụ người nông dân trong tỉnh mà còn tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh lân cận như: Thanh Hóa, Nam Định và các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm doanh nghiệp của ông đạt doanh thu 5-7 tỷ đồng.
Từ một gia đình còn nhiều khó khăn, với những nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu, hiện gia đình ông Phạm Đăng Ngát đã có một cơ ngơi khang trang với đầy đủ tiện nghi. Ba người con trai của ông có việc làm ổn định, thành đạt. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Ngát còn tạo việc làm cho 15 lao động là thương binh, con em thương binh, bộ đội trong xã với mức lương 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Với nghị lực vượt khó, nhiều năm liền thương binh Phạm Đăng Ngát được đi dự Hội nghị cựu chiến binh làm kinh tế giỏi các cấp, được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, tuyên dương trong phong trào thi đua yêu nước…
Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", bằng nghị lực và ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, thương binh Phạm Đăng Ngát đã khẳng định được mình trên trận tuyến mới, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: Hạnh Chi