Nhưng khi lập gia đình, anh đã sinh ra những đứa con không lành lặn do di chứng của chiến tranh. Nhưng với nghị lực của một người lính, anh đã cố gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Năm 1974, Hoàng Văn Tu lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ chiến trường trở về lành lặn, anh tưởng mình may mắn hơn đồng đội, nhất là khi anh có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Nhưng sự may mắn đó đã không trọn vẹn khi đứa con đầu lòng sinh ra không phát triển như những đứa trẻ khác, không nói, không cười, người đần độn. Vợ chồng anh hết sức lo lắng đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng không hiệu quả.
Cuộc sống gia đình trôi qua trong nặng nề, đến năm 1994, niềm hy vọng của anh chị lại tràn đầy khi chị có mang đứa con thứ 2. Nhưng lần sinh nở này cũng không đem lại cho anh chị hạnh phúc, đứa trẻ cũng bị thiểu năng trí tuệ. Nghĩ đến hoàn cảnh không may mắn của mình, anh, chị gần như suy sụp. Cộng thêm vào đó là vợ anh không có việc làm ổn định, đồng lương bệnh binh ít ỏi của anh phải nuôi 4 miệng ăn, không kể tiền chữa bệnh cho 2 đứa con lúc trái gió trở trời.
Anh Tu tâm sự: "Có những lúc cuộc sống khó khăn quá muốn buông xuôi. Nhưng nghĩ rằng bao nhiêu khó khăn, gian khổ trong chiến trường mình còn có thể vượt qua để đạt mong ước có một cuộc sống hòa bình, bây giờ chẳng lẽ để cơm, áo, gạo, tiền làm mình gục ngã". Để vượt lên cuộc sống hiện tại, anh không quản ngại một việc gì, từ làm thuê, chạy hợp đồng máy bơm cho hợp tác xã… và trong thời gian đó anh tranh thủ học nghề sửa chữa điện tử. Dành dụm được chút vốn liếng nho nhỏ, vay mượn thêm, anh mở một cửa hàng sửa chữa điện tử tại nhà. Sau đó, anh quyết định đầu tư vào chăn nuôi.
Cuộc sống khó khăn đã không còn, hiện nay thu nhập bình quân của gia đình anh mỗi năm từ 15-20 triệu đồng. Đến năm 2001, gia đình anh đã xây được nhà mái bằng, thay cho gian nhà cấp 4 dột nát. Suốt 17 năm lăn lộn, chắt chiu để tạo lập cuộc sống, nay gia đình anh đã khá giả hơn nhiều. Từ kinh nghiệm của mình, anh đã "truyền lại" cho nhiều người có cùng hoàn cảnh. Năm 2000, anh được bà con dân phố tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố Văn Miếu (phường Nam Thành).
Nhờ có tinh thần trách nhiệm của anh - người tổ trưởng dân phố - mà nhiều năm liền Tổ dân phố Văn Miếu luôn hoàn thành nhiệm vụ và được UBND phường khen thưởng về thành tích trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Riêng gia đình anh cũng đã được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu của thành phố Ninh Bình.
Linh Nhi