Chúng tôi tới thăm gia đình cô giáo Ngà ở khu tập thể Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Đó là một ngôi nhà nhỏ bé nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Cuối tuần, cả nhà cô giáo đều có ở nhà. Không khí hạnh phúc, đầm ấm của gia đình dường như đã xua tan đi cái lạnh lẽo của những ngày mưa phùn. Cô Ngà đon đả giới thiệu với chúng tôi về những thành viên trong gia đình với những lời chất chứa yêu thương. ở cái tuổi 53, bằng cái giọng khàn đục, cô Ngà trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của cô. Cô Ngà lập gia đình vào năm 24 tuổi với một chàng trai khỏe mạnh người cùng xã. Hai bên gia đình nghèo, nhưng tất thảy đều vun vén cho hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ. Hàng ngày, cô đến lớp dạy học, còn chồng ở nhà làm ruộng. "Rồi khi rảnh, ai thuê gì anh cũng làm nấy để có thêm thu nhập. Cuộc sống tuy còn khó khăn song lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc. Khi đứa con trai đầu lòng chào đời, những tưởng hạnh phúc sẽ nhân lên gấp bội song cuộc sống thật không đơn giản. Hạnh phúc của chúng tôi thật mong manh"- cô Ngà trải lòng. Khi đứa con tròn 1 rồi 2 tuổi mà vẫn không biết đi như những đứa trẻ khác, cô lo lắng đưa con đi khám thì được bác sỹ kết luận con cô bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai. Vậy là có bao nhiêu tiền vợ chồng tích cóp được, cô đều đưa con đi các bệnh viện để chạy chữa. Nghe ai mách ở đâu có thầy hay, thuốc tốt, cô không quản xa xôi mà đưa con tìm đến nhờ chữa trị. Song, tiền thì mất nhưng bệnh tật của con thì vẫn còn đó. Nhìn con mà quặn thắt cả ruột gan bà mẹ trẻ. Đâu chỉ có thế, đúng lúc mẹ con cô cần nhất sự yêu thương, che chở, chung sức của người đàn ông trong gia đình thì chồng cô bỏ đi theo một người phụ nữ khác. "Tôi đã tưởng chừng mình không thể vượt qua được nghịch cảnh đó. Nhưng rồi nhìn đứa con tội nghiệp, được bè bạn, xóm giềng khu tập thể, đồng nghiệp ở trường đùm bọc, sẻ chia mà tôi đã được tiếp thêm sức mạnh. Tôi gạt bỏ những nỗi đau đó để tiếp tục công tác, làm việc và nuôi dưỡng con trai"- cô giáo Ngà chia sẻ.
Hàng ngày, với chiếc xe đạp đã cũ mèm, người mẹ ấy vẫn đều đặn đưa con tới trường. Ngoài giờ tới trường, cô Ngà gửi con cho những người hàng xóm tốt bụng để tranh thủ đi cấy, đi gặt, thậm chí bắt thêm con cua, con ốc để cải thiện bữa ăn cho con. Những lúc rảnh rỗi, cô trò chuyện và tập cho con những bước đi. Nỗ lực của mẹ con cô cuối cùng cũng được đền đáp. Năm lên 4 tuổi, con trai cô đã có thể tự đi những bước đầu tiên. Sự bình phục của con trai càng tiếp thêm cho cô Ngà nghị lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà giáo. Cô chia sẻ, cuộc sống của người dân huyện miền núi Nho Quan còn nhiều khó khăn, vất vả; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học còn nhiều thiếu thốn nên mỗi giáo viên phải cố gắng hết sức, yêu nghề, thương trẻ và phải thực sự là người mẹ thứ 2 của các em. Với tâm niệm đó, cô Ngà lại miệt mài bên những trang giáo án, cố gắng tìm ra phương pháp dạy mới để nâng cao chất lượng từng tiết học, tạo cho các cháu niềm vui mỗi khi tới trường. Sự miệt mài, cần mẫn trong công việc của cô Ngà được tập thể giáo viên Trường Mầm non thị trấn Nho Quan đánh giá cao.
Giờ đây, cậu con trai bé nhỏ năm nào của cô giáo Ngà đã lập gia đình. Sức khỏe kém, song anh vẫn cần mẫn làm việc để vun vén cho hạnh phúc gia đình mình và mang lại cho mẹ niềm vui ở cái tuổi về già. Con dâu cô Ngà cũng là người khuyết tật. Tuy khiếm khuyết về cơ thể, nhưng bù lại con dâu của cô lại dịu hiền và hiếu thảo. Hiểu hoàn cảnh của gia đình chồng, con dâu cô Ngà càng thêm yêu thương, gắn bó với gia đình. Cách đây 3 năm, vợ chồng con trai cô Ngà đã sinh một đứa con trai đầu lòng khỏe mạnh, kháu khỉnh.
"Hơn hai mươi năm trôi qua rồi, người đàn ông ấy vẫn chưa một lần trở lại. Giờ đây, tôi cũng thấy lòng mình tĩnh lặng hơn. Bao nhiêu giận hờn thời xưa ấy cũng chẳng để làm gì. Cuộc sống của mẹ con tôi giờ vẫn còn đó những khó khăn, song đầm ấm, hạnh phúc. Cái giá của hạnh phúc lắm lúc cũng nhọc nhằn biết bao"- cô giáo Ngà nói như vậy trước khi chia tay chúng tôi.
Bài, ảnh: Đào Hằng