Xã Khánh Thượng nằm ở phía bắc huyện Yên Mô với 870 ha diện tích đất nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển mạnh, lao động rôi dư lúc nông nhàn còn tương đối cao. Để giải quyết việc làm cho Hội viên nông dân khi nông nhàn Hội Nông dân xã đã phối hợp Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dânthuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức lớp dạy nghề trồng nấm. Đồng chí Vũ Xuân Chính, Chủ tịch hội nông dân xã cho biết: Nghề trồng nấm không còn mới mẻ với nhiều địa phương trong tỉnh, thậm chí một số hộ trong xã đã từng làm thử nhưng do thiếu kỹ thuật, đầu ra lại chưa ổn định nên không duy trì được. Với sự giúp đỡ của Trung tâm dạy nghề, lần nhân cấy nghề mới này được tiến hành rất bài bản. Đầu tiên Hội đã phối hợp với Trung tâm hành khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên đồng thời tiến hành lựa chọn 28 học viên cho lớp học theo phương châm " học phải thành nghề". Trên sơ sở đó, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Sản xuất giống nấm và Chế biến nấm xuất khẩu Hương Nam đã hướng dẫn về kỹ thuật làm nấm như: ủ rơm, xử lý độ PH khi ngâm rơm, kỹ thuật trồng nấm sò, nấm mỡ, mục nhĩ, linh chi, kỹ thuật chăm sóc và thu hái..... Nhằm gắn lý thuyết với thực tế, lớp học được chia làm 3 tổ thực hành kỹ thuật làm nấm, học viên được hỗ trợ toàn bộ nguyên vật liệu đầu vào gồm: giống nấm, túi ni lông, bông, rơm, vôi, dây treo... Sau ba tháng học nghề kết quả mang lại rất khả quan, các học viên đều tiếp thu tốt quy trình làm nấm và đã cho ra sản phẩm. Điều đáng mừng hơn là trong số 28 học viên tham gia lớp học, nhiều hội viên nông dân đã nắm chắc kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất mạng lại hiệu quả kinh tế cao. Mới chỉ làm hơn 3 tháng, nhiều hộ đã đạt sản lượng thu hoạch trên 5 tạ và còn có thể thu hoạch thêm gần 1 tháng nữa. Theo giá thu mua của Trung tâm nấm Hương Nam hiện nay mỗi kg nấm khoảng 11 nghìn đồng. Như vậy, sau khi khấu trừ chi phí cứ 1 tấn rơm nguyên liệu làm nấm cho thu nhập tương đương gần 1 tấn lúa. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với những nông dân nghèo Khánh Thượng, trong khi bà con vẫn có thời gian làm các công việc khác của nhà nông.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu lán làm nấm, anh Vũ Văn Bình hội viên nông dân xã Khánh Thượng vui vẻ cho biết, được Hội nông dân xã chọn là một trong 28 học viên của lớp dạy nghề trông nấm, qua quá trình học nghề anh nhận thấy làm nấm khá đơn giản và rất phù hợp với điều kiện tại địa phương. Với nhiều ưu điểm như không chiếm nhiều diện tích, tận dụng phế phẩm rơm rạ, giải quyết ô nhiễm môi trường, thu hoạch nhanh chỉ sau 1 tháng trồng và thu hoạch liên tục trong 2 tháng kế tiếp. Tiếp thu được KHKT, anh Bình mạnh dạn đầu tư gần 20 triệu đồng để xây dựng lán trại làm nấm chỉ sau 2 tháng làm gia đình anh đã thu được trên 200kg nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò nấm và dự kiến còn thu hoạch được hơn 100kg nữa. Nhờ cách làm dễ dàng, đầu ra cũng tương đối ổn định do được Trung tâm Hương Nam bao tiêu nên nhiều trồng nấm không chỉ để bán trong ngay tại chợ mà còn có thể trồng với quy mô lớn. Hiện tại anh chị đang tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 50 m2 lán làn nấm, dự kiến sẽ thuê thêm từ 2 đến 3 lao động. Cũng như anh Bình gia đình chị Vũ Thị Ngoan cũng rất thành công với nghề "mới này". Tâm sự về nghề trồng nấm, chị chân thành thổ lộ: "Những năm trước, gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ngay sau khi được Hội nông dân cho đi học nghề trông nấm tôi đã quyết tâm làm thử. Trồng nấm rơm khá đơn giản, chỉ tốn công nhiều chứ tiền đầu tư không bao nhiêu do có thể tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Nhờ nắm vững kỹ thuật nên chỉ với 40m2 thôi nhưng vừa rồi tôi đã thu được hơn 5 triệu đồng tiền lãi nhờ làm nấm. Hiện nay, gia đình tôi rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các cấp hội, nhất là tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn để mở rộng quy mô, từng bước đưa nghề nấm trở thành nghề phụ cho thu nhập cao ở xã". Với những thành công bước đầu nghề trồng nấm ở Khánh Thượng đang có điều kiện phát triển tốt được người nông dân đánh giá cao. Tuy nhiên để trồng nấm thực sự trở thành một nghề giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây cũng còn nhiều việc phải làm. Đồng chí Vũ Xuân Chính cho biết thêm, trên cơ sở thành công ban đầu Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng nghề làm nấm. Hội nông dân xã đã có kế hoạch tranh thủ nguồn vốn từ Hội Nông dân tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp hội viên có nguồn vốn đầu tư sản xuất. Với những hộ đã thành nghề, Hội sẽ định hướng giúp họ liên kết thành những tổ hợp sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hội cần nâng cao vai trò quản lý, làm cầu nối liên kết với doanh nghiệp, tiếp tục chuyển giao KHKT, kinh nghiệm sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tin rằng, nông dân Khánh Thượng sẽ thành công với nghề trông nấm, có điều kiện vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Bài, ảnh: Quốc Khang