Không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ, phức tạp, lại chẳng "kén" người làm, nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp như: đan cói, đan bèo bồng, chẻ tăm hương... đã "trụ" lại với cuộc sống của người nông dân và từng bước giúp họ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Xã Khánh Vân (Yên Khánh) nổi tiếng với làng nghề truyền thống mây tre đan. Hiện tại, nghề đan lát mây tre đan đã chiếm tới 35% giá trị kinh tế của xã. Trong đó, trung bình hàng năm thu nhập từ nghề đã mang lại giá trị hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, với tiền công từ 50 đến 70 nghìn đồng/người/ngày. Riêng đối với những lao động có tay nghề cao, có thâm niên trong nghề có thu nhập từ 80 nghìn đồng/người/ngày trở lên. Vì là nghề truyền thống nên "cha truyền con nối", cứ người già truyền lại cho người trẻ, bố mẹ truyền lại cho con cái mà nghề mây tre đan ở Khánh Vân có điều kiện được duy trì và phát triển như ngày nay.
Đến thăm gia đình chị Dương Thị Phú, một gia đình có 3 đời làm nghề mây tre đan truyền thống, chị tâm sự: Vì là nghề truyền thống nên gia đình chị luôn có ý thức làm nghề để giữ nghề. Mấy năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường tăng mạnh nên những người làm nghề không lo đầu ra cho sản phẩm. Trước kia, chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp thì người nông dân không thể thoát nghèo được, nay nhờ có nghề này mà gia đình tôi có thu nhập ổn định. Không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện lo cho con cái học hành, mua sắm vật dụng gia đình...
Vài năm trở lại đây, công tác giảm nghèo ở xã Đức Long (Nho Quan) có nhiều chuyển biến tích cực một phần là nhờ nghề tiểu thủ công nghiệp mới được đưa về địa phương: nghề chẻ tăm hương. Từ những lớp học nghề ban đầu thu hút chưa nhiều người, hiện tại xã có 5 thôn làm nghề chẻ tăm hương thường xuyên, thu hút từ 500 đến 600 lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân những lúc nông nhàn. Theo các hộ dân làm nghề cho biết: Nghề chẻ tăm hương có ưu điểm là phù hợp với nhiều đối tượng như người già, trẻ em, tận dụng thời gian rảnh rỗi trong ngày hoặc làm vào buổi tối, sau một ngày lao động ngoài đồng ruộng. Hiệu quả từ nghề chẻ tăm hương ở Đức Long đã góp phần quan trọng trong hoạt động xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã. Chị Nguyễn Thị Dân, một hộ nông dân ở thôn Thần Lũy cho biết: Từ khi có thêm nghề chẻ tăm hương, gia đình tôi có thêm thu nhập. Nếu làm thường xuyên và huy động được các thành viên trong gia đình cùng làm thì cho thu nhập khá... Từ hiệu quả của nghề chẻ tăm hương, trong thời gian tới Đức Long sẽ tập trung phát triển, mở rộng việc dạy nghề tới 100% các hộ dân trong xã. Đồng thời, có các giải pháp cụ thể trong việc cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, giúp nhân dân có thêm việc làm và tăng thu nhập trong lúc nông nhàn, góp phần giảm nhanh hộ nghèo.
Thực tế cho thấy, cùng với sản xuất nông nghiệp, nghề tiểu thủ công nghiệp đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương vùng nông thôn, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo. Ngoài các làng nghề truyền thống, nhiều thôn, xóm, làng, xã cũng đã tích cực đưa nghề tiểu thủ công nghiệp vào sản xuất, hình thành nên những làng nghề trong tương lai.
Bùi Diệu